Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu này, nhiều điều khoản quy định trong dự thảo còn chung chung, khó thực hiện. Quy định liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước về phòng chống thiên tai chưa rõ ràng, nhất quán. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng: "Luật phải thể hiện vai trò của Nhà nước trong phòng chống thiên tai cũng như chủ động nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước dành riêng cho lĩnh vực này. Vậy mà dự án Luật lại thể hiện rất chung chung".
Nhiều ĐB đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một số chính sách như: Đào tạo, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia vào công tác phòng chống thiên tai. Nhà nước phải có cơ chế nâng cao đời sống, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống của người dân vùng thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra để tổ chức cuộc sống theo hướng "thích ứng" và giảm nhẹ thiệt hại. Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) đề nghị dự thảo cần làm rõ về mối liên hệ giữa dự báo với đánh giá rủi ro thiên tai để xác định các cấp độ cảnh báo, phương án ứng phó cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định cảnh báo theo cấp độ thiên tai (đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp).
* Về dự thảo Luật Khoa học công nghệ (KHCN) sửa đổi, theo nhiều ĐB, nên huy động nhiều hơn sự tham gia, đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp vào nghiên cứu KHCN. ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật sửa đổi vẫn còn thiên hướng hành chính hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, chú trọng tới việc coi nghiên cứu KHCN là của Nhà nước mà chưa có định chế rõ ràng về xã hội hóa trong lĩnh vực này. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp hầu như vẫn đứng ngoài cuộc. ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), phân tích thêm, nước ta còn nghèo nên việc chi 2% từ ngân sách cho đầu tư KHCN đã là cố gắng, vì vậy cần phải huy động các nguồn xã hội hóa vào lĩnh vực này, có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ của KHCN là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.