KTĐT - Sau khi xóa bỏ bao cấp về nhà ở, TP Hà Nội đã áp dụng một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp đã áp dụng chưa thực sự giải quyết được một cách căn cơ cho vấn đề vốn rất nan giải. Tuy nhiên, với việc đề xuất nhiều hình thức để tạo quỹ đất và các giải pháp hỗ trợ đầu tư, đồng thời áp dụng nhiều hình thức từ mua, thuê mua, mua trả góp, Đề án giải quyết khó khăn về nhà ở cho đối tượng hưởng lương ngân sách của thành phố Hà Nội đang rất được trông đợi.
Từ giải pháp tình thế…
Điều tra mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thành phố có hơn 355.000 cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách, trong đó, cơ quan Trung ương có 202.000 người. Trong giai đoạn trước tháng 11/1992, Nhà nước có chính sách phân phối nhà ở cho CBCNVC. Đa phần các khu tập thể được xây dựng trong giai đoạn này, giải quyết khoảng 30% nhu cầu nhà ở cho người lao động hưởng lương ngân sách. Từ tháng 11/1992, Nhà nước bãi bỏ chế độ phân phối, đưa nhà ở vào tiền lương và thực hiện bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê; đồng thời giao đất cho các đơn vị, tổ chức xây dựng nhà ở bằng vốn góp của CBCNVC.
Đến tháng 4/2001, Thành phố quy định phát triển nhà ở theo dự án, chấm dứt việc giao đất tự xây dựng nhà ở. Theo đó, dự án KĐT mới phải dành 50% diện tích sàn chung cư để bán cho cán bộ, công nhân, viên chức theo chỉ định của UBND TP. Kết quả, đã có hơn 3.900 trường hợp mua nhà tại quỹ nhà này. Tuy thế, các chính sách trên vẫn chỉ là giải pháp tình thế, không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của đa số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Thành phố cũng khó kiểm soát được nhu cầu thực tế của các cơ quan và đối tượng thụ hưởng dẫn đến thiếu công bằng. Trong khi đó, việc xây dựng manh mún, thiếu đồng bộ làm cho việc kiểm soát không gian đô thị thị khó khăn, hạ tầng kỹ thuật và xã hội quá tải, không đạt được mục tiêu giãn dân đô thị. Vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo tạm dừng giải quyết hồ sơ xin giao dự án, giao đất xây dựng nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách để chờ chính sách chung.
Lối ra từ Đề án tổng thể
Đề án giải quyết khó khăn về nhà ở cho đối tượng hưởng lương ngân sách mà Hà Nội đang hoàn tất được đánh giá là lối ra cho vấn đề nhà ở dành cho cán bộ, viên chức hiện nay. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Đề án đề xuất giải pháp lập quy hoạch tổng thể phát triển các dự án nhà ở cho cán bộ, công chức hưởng lương và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố chuẩn bị quỹ đất sạch. Ngoài ra, Thành phố sẽ sử dụng một phần quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, sử dụng quỹ đất xen kẹt, đất thu hồi do vi phạm luật đất đai để phát triển quỹ nhà ở này. Bên cạnh đó, các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha phải dành lại 20% - 30% tổng diện tích sàn nhà ở để bán cho đối tượng hưởng lương ngân sách với giá bán bằng giá thành xây dựng cộng 10% lợi nhuận.
Tương tự như dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà đầu tư dự án nhà ở cho người hưởng lương ngân sách cũng được hỗ trợ đầu tư; được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được sở hữu diện tích dịch vụ - thương mại để kinh doanh bù đắp giá bán nhà. Diện tích căn hộ đa dạng từ 80m2 đến 120m2 để người mua có điều kiện lựa chọn. Trong đó, căn hộ diện tích lớn chiếm khoảng 20%-30% tổng số căn hộ để bảo đảm điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho những hộ có đông nhân khẩu, nhiều thế hệ cùng chung sống. Bên cạnh hình thức mua, đề án cũng đề xuất hình thức cho thuê hoặc thuê mua. Trường hợp thuê mua, mua trả góp, người mua nộp tiền lần đầu là 20% giá nhà. Thời hạn trả góp tối thiểu là 10 năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhất trí cơ bản với nội dung Đề án. Trước mắt, trong giai đoạn năm 2011 - 2015, thành phố dự kiến tập trung giải quyết nhà ở cho đối tượng có nhà ở diện tích bình quân 5m2 - 10m2/người. Thành phố sẽ báo cáo đề xuất này lên Thủ tướng Chính phủ.