Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà ở xã hội: Chiếc phao giữa sóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn nơi nào hết, chính Hà Nội là địa phương cần nói lời cảm ơn chân thành nhất đến những nhà hoạch định, khi cho ra đời và phát triển quỹ nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội ra đời đúng vào lúc cơn khát nhà ở tại Thủ đô lên đến đỉnh điểm, giá đất ở tại Hà Nội đã vượt quá xa khả năng của những người “làm công ăn lương” có mức lương cao nhất. Không cần bàn cãi về sự cần thiết của nhà ở xã hội nữa, tuy nhiên, để chiếc “phao cứu sinh” này phát huy được mục đích cao đẹp của nó, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.

Cuối đời mới trọn vẹn một điệu Valse           

Hai ông bà mặc quân phục tinh tươm, dẫu đi dạo trong khuôn viên Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) thì cũng vẫn như đang khiêu vũ. Dẫu chẳng nhún nhẩy, song ai cũng biết đó là đôi “chim bồ câu” khá nổi tiếng của khu nhà ở xã hội này: Ông Nguyễn Công Đài, bà Đặng Thị Liêm. Ông bà vừa đi biểu diễn văn nghệ ở Hội Cựu chiến binh về. Đôi vợ chồng này là thầy dạy khiêu vũ của cả khu vào các buổi sáng, buổi chiều trong tuần, còn vũ trường tất nhiên là khu công viên rộng mênh mông ở đây.
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá II, Gia Lâm. Ảnh: Tuấn Anh
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá II, Gia Lâm. Ảnh: Tuấn Anh
Hai vợ chồng là cựu chiến binh (bà dân Phú Thọ, ông dân Hà Nội gốc), khi lấy nhau được gia đình nhà nội chia cho căn phòng 16m2 ở căn nhà chung 46 - Lò Đúc, rồi sinh con đẻ cái, 6 con người (hai ông bà cùng mẹ già và 3 đứa con) vài chục năm trời sống chen chúc nhau. Ước mơ có một gian phòng rộng rãi luôn thường trực suốt mấy chục năm nhưng kiếm đâu ra tiền.

Trời cho hai ông bà khiếu văn nghệ, lòng yêu văn nghệ nên đã rất “keo kiệt” trong việc cho ông bà khả năng kiếm tiền. Con cái lấy vợ, lấy chồng phải ra thuê nhà ở riêng, đến lúc bà mẹ già mất, cả đại gia đình quyết định bán cả căn nhà chung. Hai ông bà Đài – Liêm được chia 500 triệu đồng. Số tiền lớn nhất trong đời ông bà được nhìn thấy nhưng với bằng ấy tiền, hai ông bà mất hơn 3 tháng trời mà không thể mua nổi chỗ để ở.  
Hiện tại, TP Hà Nội đã có 58 dự án nhà ở xã hội được triển khai, trong đó đã hoàn thiện 8.000 căn hộ trên tổng số 20.000 căn hộ của toàn quốc, chiếm 40%. Dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng trên 3,65 triệu mét vuông sàn xây dựng, tương đương với 15.804 căn hộ.
Chỉ đến khi khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá hoàn thành, khi tìm đến, ông bà được sắp xếp cho ở nhờ chờ làm thủ tục. Chỉ phải nộp đợt đầu số tiền 110 triệu đồng, ông bà đã được làm chủ căn hộ gần 50m2 nhìn ra công viên tràn ngập hoa và nắng. Ông Đài bảo: “Còn nhiều người như chúng tôi bị “mắc kẹt” trong những diện tích chật hẹp tại nội thành lắm”. Còn bà Liêm bày tỏ nỗi niềm: “Những căn nhà ở xã hội này xuất hiện sớm hơn thì tốt biết mấy”.

Trong căn nhà của riêng mình, chẳng rộng rãi lắm nhưng so với căn nhà cũ thì nó đã là thiên đường. Ở đây, lần đầu tiên ông bà đi được hết một điệu Valse trong căn nhà mình từ khi lấy nhau.
Tại khu nhà ở xã hội Đặng Xá, ngoài trường hợp khá “đặc biệt” như vợ chồng ông bà Đài – Liêm, hầu hết là những cặp vợ chồng công chức trẻ. Lộ trình để có ngôi nhà ở khá khắt khe nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có quyết tâm và chắt chiu: Vợ chồng khi lấy nhau, mỗi người có chút tích lũy hoặc bố mẹ hai bên hỗ trợ tiền, nộp trước khoảng 200 triệu đồng. Sau khi lấy nhau, chi phí sinh hoạt tằn tiện trong số tiền lương của một người, lương của người kia dành để trả những đợt tiếp theo. Có lẽ “vừa miếng” như vậy nên với 1.500 căn nhà ở xã hội tại Đặng Xá, hơn 90% căn hộ đã có chủ. Diện tích từ 45 - 69m2 với giá 9 triệu đồng/m2.           

Nghịch lý luôn xuất phát từ khiếm khuyết         

Với mục đích tốt, phù hợp với mức sống của đại đa số người lao động, lại được hỗ trợ bằng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhưng ngoài Đặng Xá, còn nhiều dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn Hà Nội không được người dân mặn mà.    

Việc không được chuyển nhượng trong một thời gian nhất định, không được tự chọn căn, tầng, hướng theo tuổi (điều rất quan trọng với tâm lý người Á Đông) khiến lợi thế của nhà ở xã hội kém hơn so với nhà ở thương mại. Thủ tục tiếp cận vốn vay để mua nhà khó khăn, đồng thời chất lượng dịch vụ chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến người dân vẫn chưa thật mặn mà với nhà ở xã hội.
Nhờ có chính sách nhà ở xã hội, ông bà Nguyễn Công Đài - Đặng Thị Liêm đã có một tuổi già an vui, hạnh phúc.
Nhờ có chính sách nhà ở xã hội, ông bà Nguyễn Công Đài - Đặng Thị Liêm đã có một tuổi già an vui, hạnh phúc.
Về thực chất, nếu hiểu đúng thì loại hình nhà ở xã hội hoàn toàn không thua kém nhà ở thương mại, thậm chí còn an toàn hơn do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về giá bán, thuế giá trị gia tăng, hay lãi suất vay thấp theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mua nhà ở xã hội an toàn hơn khi cơ quan quản lý Nhà nước đã thay mặt người mua nhà kiểm tra tính pháp lý cũng như tiến độ của dự án. Hơn nữa, các dự án nhà ở xã hội còn được đảm bảo về tiến độ của dự án. Trong khi các dự án nhà ở xã hội do tham gia gói 30.000 tỷ đồng nên bị kiểm tra giám sát chặt chẽ thì với các dự án nhà ở thương mại, giá bán được xác định theo kỳ vọng của chủ đầu tư và căn bản pháp lý của dự án có thể chưa đầy đủ.           

Nhưng bao trùm lên tất cả, một nguyên nhân chính mà những nhà kinh doanh, đầu tư đưa ra để giải thích về chuyện nhà ở xã hội không được hào hứng đón nhận do: Tâm lý e ngại về chất lượng thấp của các công trình nhà ở xã hội. Trên thực tế, đây không phải là sự e ngại nữa mà đó là một sự thật đã thể hiện ở rất nhiều công trình nhà ở xã hội vừa đi vào hoạt động.

Rất cần sự ra đời của một Ban thẩm định chất lượng công trình nhà ở xã hội chuyên trách, chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND TP Hà Nội về vấn đề này, để chất lượng của nhà ở xã hội không còn tạo ra “tâm lý e ngại” nữa. Người ta chỉ tin cậy vào chiếc phao khi không còn phải nghi ngờ về những vết thủng trên đó nữa.           
Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera chi nhánh Tổng Công ty Viglacera được giao thực hiện đầu tư 3 dự án về nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Nhà ở xã hội tại lô đất NO1, NO2, NO3, NO4, NO6: Dự án gồm 13 tòa chung cư 6 tầng (ký hiệu V1, V2, V3, D10, D11, D12, D13, D14, D15, D16, D17, D18, D19), tổng số 1.466 căn hộ. Khởi công xây dựng tháng 7/2014. Bàn giao 1.196 căn để bán từ quý I/2015; 270 căn hộ cho thuê bàn giao tháng 7/2015.