Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Muốn trở lại Trường Sa để được tiếp thêm nguồn cảm hứng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thành công với tiểu thuyết viết về Trường Sa "Biển xanh màu lá", nhà văn "lính" Nguyễn Xuân Thủy lại tiếp tục viết "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa".

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Muốn trở lại Trường Sa để được tiếp thêm nguồn cảm hứng - Ảnh 1
Với lối kể chuyện chân thực, sinh động và văn phong trẻ trung, cuốn sách không chỉ lấy lòng các em nhỏ mà còn khiến người lớn cũng thích thú. Tác phẩm đã được nhận giải Vàng Sách hay của Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2012.

Đã đặt bút viết nhiều đề tài khác nhau, nhưng dường như Trường Sa luôn là đề tài được anh dành nhiều sự ưu ái đặc biệt?

- Viết là công việc thường xuyên của một nhà văn. Tuy nhiên, "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" với tôi có chút khác biệt, bởi Trường Sa là đề tài máu thịt mà tôi luôn dành riêng sự ưu tiên đặc biệt trong sáng tác. Tôi và NXB Kim Đồng muốn có một ấn phẩm về Trường Sa dành cho đối tượng bạn đọc là các em nhỏ. Cuốn sách ra đời sau những bàn bạc, trao đổi khá kỹ lưỡng giữa tôi và đại diện NXB. Tôi muốn các em biết đến Trường Sa theo cách của riêng tôi.

Gần đây có khá nhiều cuốn sách về Trường Sa được xuất bản, theo anh, viết về Trường Sa khó nhất là điều gì?

- Đúng là gần đây có rất nhiều sách báo, tài liệu viết về Trường Sa. Tùy vào đặc trưng từng thể loại mà có cái khó riêng. Với tôi, điều tôi quan tâm và cho là thử thách lớn nhất là đối tượng bạn đọc là các em nhỏ. Với mảng sách thiếu nhi, đây cũng là lần đầu tiên tôi thử sức nên chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng chưa biết "tạng" viết của mình có hợp với các em không. Tuy nhiên, tôi có thuận lợi hơn nhiều tác giả khác khi viết về Trường Sa là tôi từng được làm một người lính làm nhiệm vụ tại Trường Sa, nên có những trải nghiệm rất thực về vùng biển đảo này. Một điều mừng là khi sách phát hành đã được các bạn đọc nhỏ tuổi hào hứng đón nhận và dư luận phản hồi tốt.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Muốn trở lại Trường Sa để được tiếp thêm nguồn cảm hứng - Ảnh 2

Bìa cuốn sách "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa"

Hẳn là thời gian ở Trường Sa đã để lại trong anh rất nhiều kỷ niệm?

- Tôi đã chia sẻ rất nhiều kỷ niệm trong thời gian ấy khi tiểu thuyết "Biển xanh màu lá" viết về những người lính Trường Sa được xuất bản và tái bản. Tôi không thể quên nét mặt của những đồng đội khi nghe tin cha mẹ ở đất liền qua đời. Không như những người lính đóng quân ở đất liền, do điều kiện cách trở, những người con ấy đã không thể về chịu tang. Và do điều kiện thông tin liên lạc ngày ấy còn chậm, nên khi biết tin người thân mất thì cũng đã hàng tháng sau. Kỷ niệm còn đọng lại trong tôi đến giờ là tình đồng chí, đồng đội nơi đảo xa và giây phút chia tay đảo trở về đất liền. Ở đảo khó khăn gian khổ là thế, thiếu thốn là thế, nhưng khi được về đất liền thì ai cũng rưng rưng chẳng muốn rời xa.

Qua "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" anh muốn gửi gắm điều gì tới bạn đọc, đặc biệt là các em nhỏ?

- Tôi muốn kéo gần khoảng cách địa lý để các em nhỏ thấy Trường Sa thật gần gũi, thật đáng yêu và chứa đựng những điều vô cùng kỳ bí từ thiên nhiên đến con người, để các em thêm yêu đất đai Tổ quốc mình.

Anh sẽ viết tiếp những câu chuyện về Trường Sa?

- Trước hết, tôi mong được trở lại Trường Sa thêm một lần nữa, bởi viết một tác phẩm mới phải bắt nguồn từ một ý tưởng mới mẻ và độc đáo. Tôi hy vọng việc trở lại Trường Sa sẽ khơi nguồn cảm hứng mới cho mình.

Vậy còn những đề tài bên cạnh Trường Sa?

- Tôi đang viết dở tiểu thuyết thứ ba có tên "Nhắm mắt nhìn trời" và truyện thiếu nhi có tên "Người lớn, trẻ con hay Những cuộc đại náo nhà ông ngoại" và sẽ tiếp tục hoàn thiện chúng theo kế hoạch. Xin cảm ơn anh!