Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà văn Tô Hoài với báo Kinh tế & Đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái tim của cây đại thụ trong làng văn học Việt Nam đã ngừng đập, nhưng Tô Hoài vẫn sống mãi với chúng ta; Sống mãi với chúng tôi - Những người làm báo Kinh tế & Đô thị.

Trưa ngày 6/7 vừa qua, trái tim của cây đại thụ trong làng văn học Việt Nam đã ngừng đập, nhưng Tô Hoài vẫn sống mãi với chúng ta; Sống mãi với chúng tôi - Những người làm báo Kinh tế & Đô thị. Đó là phút trải lòng của nguyên Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Công Nghĩa Hoàn trước sự ra đi của cha đẻ "Dế Mèn phiêu lưu ký".

Sẽ là thiếu sót khi nói về nhà văn Tô Hoài lúc nào cũng bận rộn với những tập bản thảo ngổn ngang, dang dở mà không nói về việc ông vẫn dành thời gian "nghỉ" xen giữa mạch văn chương để viết những bài báo nhỏ theo "đơn đặt hàng" của nhiều tờ báo, trong đó có báo Kinh tế & Đô Thị.

 
Nhà văn Tô Hoài (trái) và tác giả.
Nhà văn Tô Hoài (trái) và tác giả.
Ấy là hồi cuối năm 1998, để chuẩn bị xuất bản báo Kinh tế & Đô thị, chúng tôi đến nhà riêng thăm, mời ông cộng tác. Nhà văn Tô Hoài tươi cười nói ngay:

- Hà Nội ra thêm báo chuyên đề về kinh tế và đô thị là tốt lắm. Tớ sẽ mở cho các cậu mục: "Người đường phố" nhé.

- Vâng, cảm ơn và xin phép hỏi "Người đường phố" sẽ chuyển tải nội dung gì ạ?

- Những chuyện rất đời thường của người dân đô thị, chuyện nhỏ nhưng có tính khái quát lớn.

Ngày 1/1/1999, báo Kinh tế & Đô thị xuất bản số đầu đã có bài "Thương thượng đế quá!" đăng trong mục do chính nhà văn Tô Hoài mở: “Người đường phố”. Nội dung bài báo đề cập đến chuyện nhiêu khê, phiền toái mỗi khi đi đặt mua báo dài hạn. Ông viết: "Cơ chế thị trường đã đổi mới từ lâu, chỉ còn sót lại nguyên xi cái việc này...".Lời phàn nàn của nhà văn đã đến tai cơ quan phát hành báo, cho nên việc đặt mua báo sau đó đã dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều.

Mục "Người đường phố" được giao cho Ban Đô thị phụ trách ra định kỳ. Nhà văn Tô Hoài nhận "nuôi" chuyên mục này cho báo Kinh tế & Đô thị. Ông nộp bài rất đúng hẹn và nhiều lần không nhận tiền nhuận bút.

Nhà văn Tô Hoài nói:

- Chuyện đời sống đô thị có rất nhiều, đề tài mênh mông viết cả đời không hết. Đô thị không phải chung chung, mà là đô thị Thủ đô, qua những bài báo nhỏ này để từng bước xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch cho mọi người.

Cái cách ông đặt vấn đề như ra đề cho bài toán để đến nay, báo Kinh tế & Đô thị vẫn đang tiếp tục giải.

Với chuyện mục "Người đường phố", nhà văn Tô Hoài để lại một kỷ niệm sâu sắc cho tập thể lãnh đạo, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Đồng thời phải chăng ông cũng muốn nhắc nhở những người làm báo chúng tôi phải luôn luôn bám sát hơi thở của cuộc sống, phản ánh kịp thời những vấn đề đặt ra nhằm từng bước nâng cao chất lượng tờ báo, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội.Nhà văn Tô Hoài xuất hiện trên văn đàn đầu tiên với tư cách là phóng viên rồi Chủ nhiệm báo Cứu Quốc (1945 - 1958). Ông đã có hàng chục năm làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội kiêm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội; là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1957 - 1958).

Cho đến nay, sau hơn 70 năm lao động nghệ thuật, Tô Hoài đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: Truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận. Nói đến ông, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội; Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc; Tô Hoài của “Dế mèn phiêu lưu ký”; Tô Hoài của bút ký, tự truyện. Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: "Cuộc đời này tôi sống vắt mình suốt từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời tôi đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này".

Nhà văn Tô Hoài sinh trưởng tại Hà Nội - thị trấn Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Ông lấy chữ Tô của sông Tô Lịch (nơi quê ngoại) và chữ Hoài của phủ Hoài Đức xưa (quê nội) để đặt tên Tô Hoài. Tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920. Trong giới văn học nghệ thuật nhiều người nói Tô Hoài là người chịu đọc nhất Việt Nam. Về số lượng đầu sách đã xuất bản xấp xỉ 200 cuốn, ông hiện đứng ở vị trí mà không nhà văn Việt Nam nào sánh được.

 
“Dế Mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Nhà văn Tô Hoài có nhiều tác phẩm để đời. Nhân dân tôn vinh ngưỡng mộ ông, Nhà nước đã trao tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1). Hội Nhà văn Á - Phi tặng giải thưởng tiểu thuyết “Miền Tây“ và rất nhiều giải thưởng cao quý khác.