Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện hàng Việt còn nhiều lúng túng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng (NTD), nhưng thực tế cho thấy không phải tất cả NTD đều có thể phân biệt hàng Việt với hàng nhập khẩu.

Nhằm khắc phục bất cập này, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam -Tự hào hàng Việt Nam năm 2016”.
Chưa dễ phân biệt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo ra sức lan tỏa, từ đó thay đổi nhận thức của NTD, song có một vấn đề - “sản phẩm nào được coi là hàng Việt Nam?” vẫn chưa có câu trả lời chính thức sau 7 năm thực hiện cuộc vận động.
 Người tiêu dùng lựa chọn hàng tại Hội chợ hàng Việt trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết: Để có thể “nhận diện” đâu là hàng Việt, đâu là hàng nhập khẩu thực sự là một vấn đề khó khăn. Nguyên nhân, trong khi hàng hóa là máy móc, thiết bị đã có quy chuẩn thì hàng tiêu dùng vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn để làm căn cứ xác định. “Nếu một DN nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu Việt Nam để sản xuất, sau đó đưa thành phẩm vào Việt Nam tiêu thụ có được coi là hàng Việt không? Nếu không phân biệt được rõ thì có thể sẽ dẫn tới việc cổ vũ nhầm cho hàng ngoại” - ông Phú nêu rõ. Thực tế cho thấy vấn đề “thế nào là hàng Việt” đang được các nhà quản lý và các DN đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN với nhiều ưu đãi thuế quan…, qua đó tạo điều kiện cho DN tiêu thụ được sản phẩm, song cũng tạo cơ hội cho hàng hóa nước ngoài tràn vào thị trường nội địa. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam: Đối với NTD, thậm chí cả DN, việc nhận diện hàng Việt vô cùng khó khăn. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định cụ thể về nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa... để một sản phẩm được công nhận là hàng Việt.

Để người Việt chọn đúng hàng Việt

Để người Việt dùng đúng hàng Việt, Bộ Công Thương đã giao cho Tạp chí Công Thương thực hiện Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam trên toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam 2016”.

Theo đó, chương trình sẽ diễn ra từ ngày 29/10 - 6/11 với nhiều hoạt động như hoạt náo diễu hành tuyên truyền về nhận diện hàng Việt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, sáng 29/10, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), Bộ Công Thương tổ chức Lễ khai mạc Chương trình. Tại đây, Bộ cũng sẽ tổ chức quầy thông tin cung cấp các hướng dẫn, quy định thế nào là hàng Việt. Đồng thời giới thiệu một số cách thức mà các DN uy tín đã xây dựng yếu tố nhận diện hàng hóa, sản phẩm, để các DN học hỏi, trao đổi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu Việt.

Nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ, học sinh - sinh viên, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương cũng tổ chức game show “Sinh viên nhận diện hàng Việt Nam”. Hơn 3.000 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng với 5 đội đại diện sẽ tranh tài tìm hiểu về hàng Việt Nam, những nỗ lực của DN Việt trong việc mở rộng thị trường. Đại diện Ban tổ chức Chương trình cho biết: Thông điệp "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình Bình chọn ảnh “Tôi yêu hàng Việt” và trò chơi có thưởng “Nhận diện hàng Việt Nam” sau khi gửi tới NTD thông qua mạng xã hội Facebook đang thu hút một lượng lớn người tham gia. Cũng trong thời gian diễn ra Tuần nhận diện hàng Việt Nam, Bộ Công Thương tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu hàng Việt tại khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, nhằm tạo cơ hội cho DN sản xuất phối hợp với DN bán lẻ tiêu thụ, quảng bá hàng Việt.

Trước đó, ngay từ tháng 9/2016, khi Chương trình bắt đầu khởi động, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã mở các đợt giảm giá, khuyến mại hàng Việt. Đặc biệt, nhằm cổ động cho Chương trình, 5 TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, kết nối cung - cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm giúp NTD chọn đúng hàng Việt.