Nhận diện khó khăn, vượt thách thức, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ KTXH năm 2023

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế&Đô thị xin giới thiệu bài viết của Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh có tiêu đề "Nhận diện khó khăn, vượt qua thách thức, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023"

Với niềm tin cùng quyết tâm mới, trong năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội không chỉ đặt mục tiêu giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, mà còn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá, ưu tiên dồn lực vào các công trình hạ tầng giao thông quan trọng Quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện tốt chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tạo nguồn lực cho phát triển

Năm 2022, Thủ đô Hà Nội triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và khó đoán định. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra công trình hầm chui Lê Văn Lương ngày 7/9/2022. Ảnh: Phạm Công
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra công trình hầm chui Lê Văn Lương ngày 7/9/2022. Ảnh: Phạm Công

Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ tình hình chung, thành phố (TP) cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức riêng như vừa phải tập trung phòng, chống dịch bệnh và dành nguồn lực để khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; TP vừa phải dành thời gian để xử lý các công việc nội chính, thanh tra, kiểm tra trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, việc thay đổi cán bộ chủ chốt của TP cũng tác động không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, chặt chẽ của Thành ủy, sự giám sát, quyết định kịp thời của HĐND TP, quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành T.Ư và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả toàn diện và đáng trân trọng.

Cụ thể, kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, các cân đối lớn được bảo đảm. GRDP phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước, năm 2022 đạt 8,89% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thu ngân sách đạt 333,25 nghìn tỷ đồng, bằng 106,9% so với dự toán và tăng 2,8% so với năm 2021, đặc biệt thu nội địa không kể dầu thô đạt 304 nghìn tỷ đồng, cao nhất cả nước. TP hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Kinh tế tăng trưởng tốt đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện rõ rệt, góp phần ổn định giá cả, thị trường.

Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Hạ tầng đô thị, giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư, đã khánh thành nhiều công trình giao thông quan trọng, các dự án trọng điểm của TP đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường; tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.

Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. TP đã chủ động, kịp thời hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch. Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tạo cuộc sống bình an cho người dân, đảm bảo sự bình yên cho Thủ đô.

Sản xuất hàng điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất hàng điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

TP tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, chính sách và định hướng dài hạn phát triển Thủ đô: Xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Chọn việc trọng tâm, dân sinh bức xúc để triển khai

Bên cạnh những kết quả đạt được, TP Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu. Chuyển đổi số còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thoát nước đô thị quá tải; hạ tầng số, hạ tầng CNTT, hạ tầng dữ liệu chậm tiến độ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm. Tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp,…

Ngày 14/12/2022, sau hơn 2 năm dịch Covid-19, UBND TP đã tổ chức Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại DN năm 2022” với mục đích lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Hội, Hiệp hội DN và các DN trên địa bàn TP với 12 lượt phát biểu (trong tổng số gần 70 DN tham dự) và 33 nội dung, kiến nghị; theo đó, TP đã có văn bản trả lời các DN từng việc cụ thể và đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thuộc TP chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển. Hội nghị trên được tổ chức đúng thời điểm, có sức lan tỏa và cho thấy Lãnh đạo TP luôn đồng hành, lắng nghe khó khăn của cộng đồng DN Thủ đô để tháo gỡ, xử lý kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định..

Năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022. Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại về cơ cấu kinh tế, sự quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường, UBND TP đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023. Đó là, quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, UBND TP; tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và DN, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022, cụ thể:

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, TP Hà Nội đã ban hành quy định về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, ủy quyền trên địa bàn TP, trong đó đã rà soát 1.910 thủ tục hành chính; tiếp tục phân cấp, ủy quyền 708 thủ tục hành chính; 1.220 nhiệm vụ quản lý Nhà nước cấp TP; 358 nhiệm vụ cấp huyện; 173 nhiệm vụ cấp xã; điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện trong 8 lĩnh vực.

Với các Nghị quyết, Đề án mới TP đưa vào triển khai năm 2022 về phân cấp, ủy quyền đã tạo bước đột phá mới khi việc phân cấp, ủy quyền triệt để hơn, dựa trên nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện; tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai; ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ.

Trong năm tới, từng sở, ngành, quận, huyện, thị xã thí điểm chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là nhiệm vụ khó, quan trọng nhất hoặc vấn đề mà người dân đang bức xúc nhất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Nếu những việc này giải quyết được sẽ tạo hiệu ứng thúc đẩy mạnh mẽ các công việc khác thông suốt.

Với tinh thần “Thước đo thành công trong cải cách thủ tục hành chính là sự hài lòng của người dân và DN”, cùng với quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, TP đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng CNTT, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Khẩn trương hoàn thiện để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn TP từ đầu năm 2023: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung của TP và Hệ thống thông tin báo cáo định kỳ của TP với 171 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công của Thành phố và phần mềm quản lý, theo dõi tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của TP theo hướng quản lý thống nhất, xuyên suốt vòng đời dự án…

Tập trung vào 3 khâu đột phá, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023

Trong năm 2023, TP quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 và các khâu đột phá nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025 của TP.

Theo đó, các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ như: Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND TP, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị; tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô Hà Nội năm 2012, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung triển khai kế hoạch xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo...

Năm 2023, TP đã thông qua các chỉ tiêu chính phát triển kinh tế xã hội với 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%… Để đạt được những mục tiêu trên, TP sẽ tập trung chỉ đạo 10 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; (2)Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới; (3) Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; (4) Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; (5) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; (6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; (7) Đẩy nhanh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị; (8) Sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; (9) Đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; (10) Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội…

Đồng thời, tập trung vào 3 khâu đột phá: (1) Tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của TP; (2) Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023; (3) Thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, TP sẽ thực hiện các biện pháp để chuyển biến rõ nét trong công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. UBND TP sẽ tổ chức giao ban xây dựng cơ bản định kỳ hàng quý; giao ban chuyên đề để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các nhóm vấn đề cụ thể như về giải phóng mặt bằng, về thủ tục đầu tư, về đơn giá, định mức, về công bố giá... Các sở, ngành tiếp tục tham mưu nội dung giao ban chuyên đề thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công một cách thực chất.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, UBND TP tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt tập trung triển khai hiệu quả, thực chất hơn nữa chủ đề công tác năm 2023: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Với tinh thần đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể TP cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm cao nhất, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023.

Bước sang năm mới Quý Mão 2023 với khí thế mới, tôi tin tưởng, với truyền thống đoàn kết cùng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm ứng phó trước mọi khó khăn, thử thách trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phấn đấu, góp sức để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, là trái tim của cả nước.