“Người tốt - việc tốt” là cái nền căn bản, là mục tiêu cao nhất của chế độ ta. Nếu không có “Người tốt - việc tốt” và không xác định mục tiêu xây dựng “Người tốt, việc tốt” thì cần những phong trào chống tham nhũng lãng phí, xây dựng Đảng, cải cách hành chính, đổi mới DN, xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội lịch sự, văn minh… để làm gì và làm sao có thể thực hiện được.
“Người tốt - việc tốt” trong cuộc sống quanh ta rất nhiều và hơn nhiều lần cái xấu, cái ác. Chỉ tính những người được vinh danh, qua 24 năm chính thức phát động phong trào, đã có 23.000 “Người tốt - việc tốt” tiêu biểu được TP biểu dương khen thưởng; hơn 300.000 “Người tốt - việc tốt” được các quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc TP khen thưởng. Con số này mới chỉ là đại diện cho hàng vạn “Người tốt - việc tốt” chưa được vinh danh trong xã hội.
Ngày hội “Hiến máu tình nguyện năm 2016” thu hút đông đảo cán, bộ nhân viên của các tổ chức cơ sở Đảng trong Khối các cơ quan TP Hà Nội tham gia. |
Điều đáng tiếc là, hàng ngày, cứ mở đài, báo ra là bắt gặp những cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, còn những con người tốt, những gương tốt thì ít thấy. Không chỉ vậy, các trang mạng xã hội còn tiếp sức bằng những chuyện giật gân, bịa đặt để... câu like. Còn “Người tốt - việc tốt” ư? Hiếm lắm. Và nếu có, các báo, mạng xã hội cũng không mặn mà. Hậu quả là, từ định lượng sang định tính, xã hội ta hiện lên trên báo chí một màu tăm tối, xám xỉn. Người đọc dần dà hằn trong đầu những định kiến: Văn hóa băng hoại, đạo đức xuống cấp, xã hội chỉ toàn người xấu, việc xấu, từ trên xuống dưới. Từ cảm giác đó, hình thành tâm lý xa lánh, thờ ơ ích kỷ, tránh voi chẳng xấu mặt nào, nguồn gốc của bệnh vô cảm đầy rẫy và ngày càng phổ biến. Còn kẻ xấu muốn bôi nhọ ta chỉ cần tìm dẫn chứng trên báo chí. Ngay những người không sống ở Hà Nội, nghe những thông tin trên báo chí về TP này cũng đủ chết khiếp, không muốn du lịch, không muốn thường trú tại đây.
Tìm nguyên nhân của hiện tượng đó không khó. Thứ nhất là trong cơ chế thị trường, làm báo phải cạnh tranh, phải chiều theo thị hiếu của độc giả để bán được nhiều báo, thu hút được nhiều quảng cáo, tóm lại để có nhiều tiền. Một nhà báo nổi tiếng từng tổng kết: Khi mở báo ra, người đọc quan tâm đến những thông tin xấu trước tiên, nhưng báo "sống được" là nhờ họ vì chính họ là người bỏ tiền ra mua báo.
Thứ hai, “Người tốt - việc tốt” (có thể tạm gọi là thể loại báo chí) lạc hậu, chậm đổi mới nhất. Hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, người đọc cũng thay đổi nhưng cách đưa tin về “Người tốt - việc tốt” vẫn nguyên xi cách viết cách đây nửa thế kỷ, đôi khi còn mang những ý nghĩ chủ quan của tác giả. Vì thế, người đọc mất niềm tin khi đọc những bài về gương “Người tốt - việc tốt”, với lối viết gượng gạo, thiếu sức thuyết phục, trong thời bão hòa thông tin này, và như vậy, cũng khó tránh bạn đọc “quay lưng” với báo.
Thứ ba, nhiều vị lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cả lãnh đạo báo chí cũng chưa quan tâm đúng mức đến thể loại này thì làm sao có thể có đội ngũ phóng viên có trình độ nghiệp vụ, có nhiệt tình, không ngại khó khăn gian khổ cho những tác phẩm “Người tốt - việc tốt”?
Gần đây, một số đài, báo đã quan tâm hơn tới thể loại này như mở các mục “Chuyện tử tế”, “Gương sáng quanh ta”, “Nét đẹp Thủ đô”, “Nết ăn nết ở”, "Gương người tốt - việc tốt" và ít nhiều đã cải tiến về nghiệp vụ nhưng vẫn còn chưa đủ. Trong thời buổi này, làm người tốt, làm việc tốt nhưng không có ai nói lên, nhân rộng ra… coi như mới hoàn thành một nửa. Làm sao để mỗi chủ trương, mỗi việc làm đều gắn với phong trào “Người tốt - việc tốt” và ngược lại. Mỗi “Người tốt - việc tốt” đều có bóng dáng một chủ trương, một việc làm quan trọng và cần phải được các phương tiện truyền thông nhiệt tình hưởng ứng, nhân rộng. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được mong muốn của Bác "Mỗi người tốt - việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.