Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân lực hàng không chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt

theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với các nước trong khu vực, chất lượng nguồn nhân lực hàng không Việt Nam đang ở mức trung bình khá về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc còn kỹ năng hành nghề, kỹ năng mềm chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt và tương lai gần.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, đến hết năm 2015, tổng số nhân lực ngành hàng không là 35.541 người (năm 2010 là 29.000 người). Trong đó, phần lớn là lao động ở khối các doanh nghiệp hàng không với hơn 28.000 người.
So với năm 2010, tốc độ tăng lao động bình quân hơn 4,5%/năm, cơ cấu lao động phù hợp với quy hoạch vận tải hàng không, lao động chuyên ngành có xu hướng tăng. Tuy vậy, tỉ lệ phi công là người Việt Nam trong cơ cấu lực lượng có tăng nhưng ở mức độ thấp.
 
Trình độ lao động trong lĩnh vực này cũng đã được nâng cao đáng kể, đội ngũ lao động chuyên ngành như người lái tàu bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật hàng không được đào tạo, bồi dưỡng một cách cơ bản, toàn diện theo quy trình, quy chuẩn quốc tế, có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ đối với các loại tàu bay hiện đại của các hãng sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing hay Airbus.
Ngoài ra, tất cả thành viên tổ lái người Việt Nam và hầu hết kiểm soát viên không lưu, nhân viên giám sát hàng không có trình độ tiếng Anh mức 4 trở lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Tuy vậy, theo Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không dân dụng phát triển tốc độ nhanh, một số doanh nghiệp có biểu hiện phát triển nóng, đặc biệt là phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực và nhân lực, dẫn đến khủng hoảng thiếu nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay. Do đó, đã xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt về nhân sự trong nội bộ ngành hàng không.
Hơn nữa, tuy lực lượng nhân viên hàng không được đào tạo bài bản theo chương trình đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, đáp ứng yêu cầu của ICAO và cơ sở khai thác nhưng kiến thức về chính trị, xã hội, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng mềm còn hạn chế (chủ yếu là ở lĩnh vực khai thác mặt đất, phục vụ chuyến bay).
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tuân thủ quy trình, quy chuẩn khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không của một số nhân viên hàng không chưa đầy đủ là những tác nhân gây uy hiếp an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ hàng không.
Cục Hàng không cho biết thêm, thời gian tới, theo định mức khuyến cáo của ICAO, nhu cầu về giám sát viên an toàn hàng không rất lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, bảo đảm hoạt động bay.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh việc thiết lập cơ sở đào tạo phi công cơ bản hoàn chỉnh tại Việt Nam để chủ động đáp ứng nhu cầu về phi công cho các hãng hàng không Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp hàng không, cần công khai nhu cầu nguồn nhân lực hàng không, thu nhập dự kiến của các vị trí như phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật tàu bay, kiểm soát viên không lưu... nhằm đẩy mạnh xã hội hóa việc đào tạo, thu hút đầu vào chất lượng cao.
Riêng đối với lĩnh vực đào tạo, Cục Hàng không cho rằng cần tập trung vào đào tạo nghề đối với nhân viên hàng không, bỏ các chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng đối với nhân viên hàng không nhằm thu hút, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm bớt chi phí xã hội.