Cũng theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, không giống như một số ngành nghề khác, nếu sinh viên sau khi ra trường cần phải thực tập một thời gian khá dài để có thể thành thạo nghề, thì với ngành công nghệ thông tin, họ có thể bắt tay vào làm việc luôn. Thậm chí, với nhu cầu của thị trường hiện nay, các bạn sinh viên có thể có việc làm với mức lương khá tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lý giải cho điều này, bà Nga cho biết, tại trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, sinh viên ngành công nghệ thông tin sẽ được đào tạo 5 mảng chuyên môn, tương đương với 5 nghề chính. Đó là: Thiết kế đồ họa, thiết kế website, lập trình, sửa chữa phần cứng, lắp đặt quản trị hệ thống mạng.Khi ra trường, sinh viên có thể vào làm việc tại bộ phận kỹ thuật của tất cả các DN, các đơn vị sự nghiệp, miễn là nơi đó có nhu cầu về 1 trong 5 mảng trên. Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia giảng dạy tại các trường phổ thông, các cơ sở dạy nghề trình độ trung cấp, sơ cấp. “Chiếc máy tính và mạng internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người.
Trên cơ sở đó, thương mại điện tử phát triển, do đó, những công ty, tập đoàn lớn như Canon, Samsung, Trần Anh hay các đơn vị kinh doanh, sửa chữa nhỏ lẻ, hàng năm đều cử đại diện trực tiếp đến trường chúng tôi để tuyển dụng kỹ thuật viên công nghệ thông tin. Nhưng phải nói rằng chúng tôi chưa thể cung đủ cho cầu của các công ty này, thực tế, chúng tôi có ít sinh viên hơn nhu cầu tuyển dụng của họ” - bà Nga nói.Mặt khác, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, người tốt nghiệp trình độ cao đẳng sẽ được công nhận danh hiệu cử nhân hoặc kỹ sư thực hành, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các sinh viên khi đi xin việc. Tuy nhiên theo bà Nga, bất cứ ngành nghề nào cũng có thuận lợi và khó khăn trong quá trình làm việc.
Ngành công nghệ thông tin cũng không phải là ngoại lệ, “nhu cầu lắp đặt, sửa chữa, quản trị hệ thống mạng rất cao, nhưng khi thi công phải leo trèo, làm quen với độ cao; hay như thiết kế đồ họa, website thì cần rèn luyện con mắt thẩm mỹ và dành nhiều thời gian luyện tập. Hoặc thi công phần mềm, phần cứng thì yêu cầu người thợ phải biết tiếng Anh. Thí sinh cần cân nhắc tới những yếu tố này, đồng thời căn cứ vào khả năng và niềm đam mê của bản thân khi quyết định lựa chọn học và làm nghề” - bà Nga khuyên.