Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân lực ngành ngân hàng chưa đáp ứng yêu cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù đầu vào nguồn nhân lực làm việc trong hệ thống ngân hàng là khá cao nhưng tỷ lệ được đào tạo chuyên ngành ngân hàng lại thấp hơn so với các chuyên ngành đào tạo khác.

Tại hội thảo Phát triển vốn nhân lực ngành ngân hàng tài chính do Viện Nhân lực ngân hàng tài chính và Câu lạc bộ nguồn nhân lực tổ chức ngày 10/10 ở Hà Nội, ông Trần Hữu Thắng, Phó Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ - Ngân hàng Nhà nước nhận định nhân lực ngành ngân hàng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Nhân lực ngành ngân hàng chưa đáp ứng yêu cầu - Ảnh 1

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: vneconomy.vn)

Theo ông Thắng, mặc dù đầu vào nguồn nhân lực làm việc trong hệ thống ngân hàng là khá cao nhưng tỷ lệ được đào tạo chuyên ngành ngân hàng lại thấp hơn so với các chuyên ngành đào tạo khác.

Theo đó, tỷ lệ nhân lực có trình độ sau đại học ngành Tài chính-Ngân hàng chiếm 1,35% nhưng ngành khác lại là 1,75%; trình độ đại học ngành Tài chính-Ngân hàng là 30,66% trong khi ngành khác cao hơn gần 4%. Do đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần phải xác định lại cơ cấu và quy mô đào tạo.

Cùng đó, việc bố trí sử dụng nhân lực là cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống ngân hàng cũng chưa thật phù hợp. Điển hình là Ngân hàng Nhà nước vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên gia kinh tế, quản lý vĩ mô có năng lực nghiên cứu, dự báo, xây dựng chiến lược, định hướng phát triển toàn hệ thống. Hiện chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành và nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cùng quan điểm này, ông Angel Blanco, Giám đốc dịch vụ xây dựng hiệu quả của Hay Group khu vực Đông Nam Á khẳng định hơn bao giờ hết, áp lực và các vấn đề chung về nhân sự ngày càng trở nên nóng bỏng hơn, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và sự phức tạp ngày càng gia tăng trong hoạt động đang tạo ra những áp lực lớn cho các ngân hàng. Vì vậy, bản thân các ngân hàng phải xem xét lại toàn bộ cơ cấu kinh doanh và nguồn lực lao động của mình để có giải pháp quản lý và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hiệu quả.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại này là do thiếu những công cụ mang tính chuẩn mực để đo lường các hoạt động quản trị nhân sự. Tình trạng chảy máu chất xám trong ngành vẫn còn bởi chính sách nhân sự chưa đầy đủ và chưa phù hợp.

Để xây dựng đội ngũ nhân lực ngành ngân hàng đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu hội nhập, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kết hợp đồng bộ các chính sách về quản lý nhân sự với mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực. Mục tiêu đặt ra là tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn cao.

Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm 2000 đến 2010, quy mô nhân lực của ngành đã tăng khá nhanh từ hơn 67.500 người lên tới hơn 175.000 người, chất lượng nhân lực cũng được cải thiện; từng bước cơ cấu hợp lý nhân lực theo trình độ chuyên môn đào tạo; tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học liên tục tăng.