Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng các gương điển hình, tạo lan tỏa sâu rộng trong xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự có mặt của 1.800 đại biểu chính thức, trong đó 60% là người lao động sản xuất trực tiếp, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã khai mạc trọng thể sáng 7/12, tại Hà Nội.

Dự Đại hội có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân...

Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư đã chúc mừng Đại hội và nhấn mạnh: Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước suốt 67 năm qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư phát biểu khai mạc đại hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư phát biểu khai mạc đại hội. Ảnh: Thanh Hải
Tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư đã đánh giá tổng kết công tác thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm qua (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. 

Theo đó, 7 kết quả nổi bật của phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua là: Thứ nhất, đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở để công tác này được triển khai tích cực và đồng bộ, đồng thời công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp. Thứ hai, hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư và các cấp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn, hoạt động của các cụm, khối thi đua trong cả nước ngày càng đi vào nền nếp. Thứ ba, phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ chính trị, động viên được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao trên mọi lĩnh vực.
Quang cảnh đại hội
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Thanh Hải
Thứ tư, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú và hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng và hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, đã thực sự trở thành nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Thứ năm, công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới, được tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực.

Thứ sáu, công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, đảm bảo chính xác, kịp thời, dân chủ, hướng về cơ sở, quan tâm khen thưởng đối với tập thể nhỏ, tập thể cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, người trực tiếp lao động sản xuất, chiến đấu. Thứ bảy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm thi đua, khen thưởng thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức triển khai các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng.  
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, mặc dù còn một số hạn chế, song từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ thực tế 5 năm qua, một trong những bài học rút ra được là, công tác thi đua khen thưởng nhất thiết phải được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phải có sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân để tạo đồng thuận cao trong xã hội. 
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư. Ảnh: Thanh Hải
Thời gian tới, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Đồng thời, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư cũng tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua khen thưởng các cấp. 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đất nước trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước. Ảnh: Thanh Hải
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất. Đã có hàng vạn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan toả trong cả nước. 

Cũng theo Tổng Bí thư, những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua là rất to lớn, song vẫn còn những hạn chế, nhất là phong trào tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; một số phong trào tác dụng lan toả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, chậm phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến. Đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều. 

Vì vậy, thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần có giải pháp hiệu quả khắc phục những hạn chế này, tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… 

Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trước tiên, phong trào phải tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng...

Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng cũng cần phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên trách thi đua, khen thưởng là nòng cốt theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua. 

“Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT và các cơ quan thông tin đại chúng làm thường xuyên và tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và các điển hình người tốt. Tôi mong rằng, sau Đại hội này, 1.800 đại biểu là điển hình tiên tiến, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiếp tục là những tấm gương sáng, sống động, có sức lan toả sâu rộng trong xã hội”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Khen đúng, thưởng kịp thời

Nhân rộng các gương điển hình, tạo lan tỏa sâu rộng trong xã hội - Ảnh 1Năm 2015, số lượng ca cấp cứu, khám điều trị của Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội tăng hơn 1.000 ca so với năm 2014, chất lượng và sự hài lòng của người bệnh nâng lên. Có được kết quả này một phần do công tác thi đua – khen thưởng. Thực hiện chủ trương của ngành y tế, từ đầu năm đến nay, BV đã triển khai chuỗi phong trào thi đua, hướng tới sự hài lòng của người bệnh như phong trào “Nụ cười bệnh nhân - Niềm vui thầy thuốc”, thi đua nâng cao “Chất lượng khám chữa bệnh”, thực hiện mô hình “Tiếp sức người bệnh”… Đồng thời, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, quy trình chuyên môn gắn với chất lượng BV, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đã rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. BV coi trọng giải pháp “Khen đúng, thưởng kịp thời ”, lấy hiệu quả công việc để khen thưởng. Ví dụ, ca trực cấp cứu giải quyết 15 ca, vượt định mức, hôm sau giao Ban Giám đốc ký thưởng “nóng” 1 triệu đồng động viên anh em ca trực. BV đang xây dựng hình ảnh mới, tổ chức phong trào lập “Cây cầu niềm tin”, mục đích tạo sự thân thiện giữa bác sĩ với bệnh nhân; hàng năm chọn ra “nhân vật” tiêu biểu để tôn vinh, đối tượng bình chọn không chỉ y, bác sĩ mà cả người lao động, từ người làm tạp vụ đến bảo vệ, lái xe, công việc hành chính… Ai làm xuất sắc công việc của mình, được mọi người trong BV ghi nhận đều có cơ hội được khen thưởng như nhau.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội

Không để thất thoát tài sản quốc gia

Nhân rộng các gương điển hình, tạo lan tỏa sâu rộng trong xã hội - Ảnh 2Đất nước ta đang hội nhập sâu quốc tế, mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Những năm gần đây, hoạt động tội phạm kinh tế trong nước và cả yếu tố nước ngoài gia tăng và diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Là đơn vị chuyên điều tra các loại tội phạm này, trên lĩnh vực giao thông, trên bộ và hải phận biển, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thi đua, thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, đã thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ khoa học công nghệ thông tin, am hiểu pháp luật, ngoại ngữ, đồng thời xây dựng kế hoạch, bán sát địa bàn, dựa vào Nhân dân để sớm phát hiện các hành vi vi phạm kinh tế. Đơn vị đã phá thành công hàng chục vụ án kinh tế, trong đó có những vụ án lớn, như vụ Giang Tiến Đạt biển thủ gần 19 triệu USD trốn ở nước ngoài; một số vụ buôn bán xăng dầu trên biển, thu về cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều khen thưởng khác của các cấp, các ngành.
Thiếu tá Nguyễn Toàn Đắc - Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Bộ Công an