Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng lợi ích từ chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thịt lợn hương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/12, tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM)...

Kinhtedothi - Chiều 28/12, tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị nghiệm thu mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn hương chăn nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược. Dù mới triển khai một thời gian ngắn, song mô hình đang cho thấy nhiều lợi ích cả về kinh tế và xã hội.

Đổi mới phương thức chăn nuôi

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn hương chăn nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược được triển khai tại trang trại Sen Trì của gia đình anh Phùng Ngọc Vĩnh, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Đây là mô hình chăn nuôi lợn hương quy mô lớn đầu tiên của toàn TP Hà Nội. Lợn hương là một giống lợn bản địa xuất xứ từ vùng Bát Xát (Lào Cai) có ngoại hình gần giống lợn Móng Cái, thân ngắn tròn, chân thon, da dày, thịt chắc và thơm ngon. Triển khai mô hình, chủ trang trại đã được Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kỹ năng liên kết nhóm sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
Tham quan mô hình chăn nuôi lợn hương bằng thức ăn sinh học.     Ảnh: Thiên Tú
Tham quan mô hình chăn nuôi lợn hương bằng thức ăn sinh học. Ảnh: Thiên Tú
Lâu nay, điểm yếu trong chăn nuôi của nhiều hộ gia đình là lạm dụng thức ăn công nghiệp dẫn tới giá thành sản phẩm tăng cao trong khi chất lượng thịt lại không tốt. Chính vì vậy, triển khai mô hình, Trung tâm XTTM yêu cầu các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng thức ăn sinh học thảo dược. Trong đó, Trung tâm hỗ trợ 30% chi phí mua thức ăn sinh học do kỹ sư Tạ Hùng Đậu nghiên cứu, sản xuất. Thức ăn này được chế biến từ các cây thảo dược như kim ngân, thổ phục linh phối trộn với cám gạo, ngô, rau xanh... Lợn sử dụng thức ăn sinh học từ các cây thảo dược có chất lượng thịt cao, màu thịt đỏ tươi, khi ăn có mùi thơm tự nhiên, ngọt, không có mùi hôi, tanh như thịt lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Điều đặc biệt, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc áp dụng quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Trong đó, Chi cục Thú y hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Ông Cấn Xuân Minh – Phó Trưởng phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua, vấn đề ATTP, trong đó có việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã trở thành mối lo của toàn xã hội. Dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, trang trại Sen Trì đã dần hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh cũng như sử dụng thức ăn chăn nuôi an toàn, trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Điều đáng mừng, đây là một trong 3 trang trại đầu tiên của huyện Thạch Thất được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh với 2 bệnh lở mồm long móng và dịch tả. Ngoài ra, mới đây, trang trại còn được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cấp chứng nhận VietGAP. Đây là điều kiện quan trọng để kết nối đưa sản phẩm thịt lợn hương an toàn vào tiêu thụ tại các kênh siêu thị trên địa bàn TP.

Hỗ trợ để nhân rộng

Sau một thời gian thực hiện mô hình cho thấy, toàn bộ lợn hương sinh trưởng, phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, lợn khỏe mạnh, chất lượng thịt cao, không tồn dư tăng trọng, chất tạo nạc. Với quy mô chuồng trại chăn nuôi khoảng 5.000m2, anh Vĩnh chăn thả hơn 400 con lợn hương, thu lãi đạt trên 300 triệu đồng trong năm 2015. Anh Vĩnh chia sẻ, nhờ có sự kết nối hỗ trợ của Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội, sản phẩm thịt đã được tiêu thụ rộng rãi trên hệ thống siêu thị Fivimart, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Mr Sạch, BigGreen và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Do đó, đầu ra của sản phẩm rất ổn định. Không những thế, nhờ được tập huấn kỹ thuật nghiêm túc, toàn bộ công nhân trong trang trại đã có ý thức hơn trong việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo đúng quy trình VietGAP.

Không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi từ 20 – 30% so với trước, mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn hương chăn nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời tạo ra sản phẩm thịt đảm bảo ATTP cung cấp cho thị trường Thủ đô. Theo lãnh đạo xã Bình Yên, mô hình thành công đã mở ra hướng mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Bởi vậy, mô hình này cần tiếp tục được hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, trở thành điểm tham quan, học tập, nhân rộng ra toàn địa bàn.

Đánh giá về mô hình đầy mới mẻ này, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, đây là mô hình triển khai theo đúng định hướng của TP nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững. Huyện ủy Thạch Thất cũng chỉ đạo quyết liệt triển khai theo hướng này, bởi hiện nay, các mô hình chăn nuôi gia công dù cho hiệu quả kinh tế cao nhưng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo ông Toàn, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho Thủ đô mà ngay trên địa bàn huyện. Hiện, với hơn 19 vạn dân, trung bình mỗi ngày nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của huyện Thạch Thất là 70 – 80 tấn rau, 35 tấn thịt, cá. “Trên địa bàn huyện còn có nhiều khu công nghiệp với hàng vạn người dân nơi khác đến cư trú, nếu giải quyết tốt nguồn cung thực phẩm sạch sẽ ngăn chặn được các vụ ngộ độc thực phẩm” – ông Toàn chia sẻ.

Mặc dù đang cho thấy hiệu quả cao, song quy mô thực hiện của mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn hương chăn nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược còn nhỏ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, để nhân rộng được mô hình, thời gian tới, Sở NN&PTNT cần tiếp tục có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế thuận lợi cho DN đầu tư phát triển sản xuất. Có như vậy, việc giải quyết nguồn thực phẩm sạch cho Thủ đô mới dần đi vào căn cơ, bền vững.

 
"Mục tiêu của việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thịt lợn hương chăn nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất nhằm tạo ra mô hình điểm vận hành theo chuỗi từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Thành công của chuỗi sẽ là tiền đề mở rộng ra các vùng chăn nuôi khác trên địa bàn TP." - Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội