Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta phải hướng đến chăm sóc sức khỏe dự phòng ban đầu, phòng chống các bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư, tiểu đường, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ trẻ em ngay từ trong cộng đồng. Công tác chăm sóc phải thực hiện gần dân nhất, hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá, mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam đã khá hoàn chỉnh. “Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân, không còn cách nào khác ngoài nâng cao chất lượng y tế cơ sở trên nền “xương sống” TYT mà chúng ta đã sẵn có” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ chóng mặt, mệt mỏi cũng lên tận BV tuyến T.Ư để khám. Các BV tuyến T.Ư đón tiếp tới hàng trăm ngàn lượt khám chữa bệnh một ngày thì TYT lại chỉ có 2, 3 người. Trong khi đó, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc tiểu đường, tăng huyết áp sau một thời gian chăm sóc tại TYT đều cảm thấy hài lòng. Phòng bệnh khi chưa bị bệnh, chăm sóc khi bệnh nhẹ, tại BV thì hướng tới chăm sóc toàn diện. Hướng tới mục tiêu người bệnh sẽ được nhân viên y tế chăm sóc, người nhà chỉ cần vào thăm” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Theo Bộ trưởng, cần tiến tới y tế cơ sở sẽ làm công tác tư vấn chống béo phì trong người dân, sàng lọc một vài tật bẩm sinh ngay tại TYT. Liên thông giữa BV huyện và TYT xã, như vậy mới giúp người dân tin tưởng, nâng cao tay nghề cho bác sĩ TYT. Có phát triển tuyến dưới thì tuyến trên mới “rảnh tay” phát triển kỹ thuật cao, không còn phải loay hoay với quá tải.
Hiện nay, các văn bản, thông tư hướng dẫn về xây dựng TYT xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đã được ban hành đầy đủ. Cái khó khăn nhất về chính sách BHYT cho TYT cũng đã được tháo gỡ. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu cần hoàn thiện trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng, không xóa TYT xã, lồng ghép hoạt động của phòng khám đa khoa khu vực với TYT. Đào tạo trực tuyến cho 100% TYT xã, bước đầu đào tạo 5 ngày về bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, đào tạo bác sỹ, viên chức y tế thực hành theo nguyên lý y học gia đình. Bộ Y tế cử cán bộ BV tuyến T.Ư, tuyến cuối về giúp TYT xã và BV huyện để KCB, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Bộ Y tế đặt lộ trình, năm 2018 hoàn thành mô hình 26 tram y tế xã điể. Các tỉnh, TP phải triển khai rộng khắp tại các TYT xã còn lại; không chờ kết quả các TYT làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Năm 2019 mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số TYT. GĐ 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số TYT. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm, từ 2019 - 2023.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội có 30 trung tâm y tế và 564 trạm y tế xã, phường, thị trường. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tại các TYT được lựa chọn thí điểm đã có các bác sĩ của 4 BV tuyến T.Ư về hỗ trợ công tác chuyên môn, buổi sáng khám và buổi chiều tập huấn cho nhân viên các trạm. Trước ngày khám, trạm y tế sẽ có thông báo tới người dân trên đại bàn. Hà Nội cũng đã có kế hoạch, trong năm 2018, riêng huyện Đan Phượng ngoài TYT Tân Lập đang thực thiện thí điểm sẽ nhân rộng thêm 3 TYT khác. Tại mỗii quận, huyện sẽ lựa chọn 2 trạm tiếp tục thí điểm. Đồng thời, Sở Y tế đã chỉ đạo giao cho từng BV tuyến huyện hỗ trợ các TYT.