Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận thức chưa đầy đủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế đã và đang tạo ra nhiều thách thức về điều kiện lao động, ô nhiễm môi trường… nhưng trách nhiệm xã hội (còn gọi là CSR) vẫn chưa được doanh nghiệp (DN) nhận thức đầy đủ… Đây là nguyên nhân dẫn đến những vụ đình công không đáng có.

Những người thực hiện CSR bị động

Tại Hội thảo "Thúc đẩy TNXH DN và công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Việt Nam" do Đại sứ quán Đan Mạch vừa tổ chức, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) cho rằng: Việc nhận thức không đầy đủ về CSR dẫn đến DN Việt Nam trở thành "những người thực hiện CSR bị động", khiến sự phát triển của DN cũng như nền kinh tế thiếu bền vững. DN thực hiện CSR còn mang tính hình thức, theo phong trào; thậm chí vẫn coi thực hiện CSR như một gánh nặng chi phí.
 
Bữa ăn trưa của công nhân Công ty Toho, Khu công nghiệp Thăng Long.                              Ảnh: Quỳnh Anh
Bữa ăn trưa của công nhân Công ty Toho, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Quỳnh Anh
 
Bên cạnh đó, việc thiếu sự chỉ dẫn cũng là một khó khăn của DN khi thực hiện CSR. Một thực tế là đang có trên 2.000 bộ quy tắc ứng xử khác nhau nhưng DN Việt Nam hầu như không có đầy đủ thông tin để lựa chọn bộ nào cho có lợi nhất. Ngoài ra, nếu thực hiện CSR, các DN phải chịu sự kiểm soát đồng thời của 2 hệ thống thanh tra (thanh tra luật pháp - chính sách lao động và thanh tra giám sát - kiểm toán của các nhà kiểm toán bên ngoài về tiêu chuẩn lao động và môi trường), trong khi chưa có sự liên kết hai hệ thống này, gây lãng phí thời gian và nguồn lực đối. Đặc biệt, việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử yêu cầu DN phải "mở cửa" đối với các đoàn kiểm tra và thực hiện báo cáo minh bạch, nhưng điều này không hề dễ dàng đối với DN Việt Nam. 

Cách kinh doanh hiệu quả

Kết quả điều tra của Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI) cho thấy: Việc thực hiện CSR ở một số DN đã giúp tăng 25% doanh thu, tăng năng suất lao động và tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu 94 - 97%, thu hút nhiều lao động giỏi. 

Đại diện Công ty E-Softfow chia sẻ: Thực hiện CSR cũng là cách kinh doanh hiệu quả, bởi nó giúp DN mở rộng kênh lựa chọn nhân viên và giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân viên hài lòng hơn khiến năng suất lao động cao hơn và lợi nhuận cũng tăng từ đó. Môi trường làm việc thường xuyên được cải thiện, không chỉ ở "phần cứng" như bàn ghế, máy tính… mà còn ở các "phần mềm" là bếp ăn tập thể, kiểm tra sức khỏe định kỳ... Đặc biệt, quy định về CSR có văn bản rõ ràng, môi trường làm việc được kiểm tra đánh giá hàng năm.   

Lợi ích từ việc thực hiện CSR là rất rõ ràng, song thực tế cho thấy còn khá nhiều rào cản để các DN làm tốt được, từ mặt nhận thức, thông tin đến môi trường pháp lý, khả năng tài chính, văn hóa DN và triết lý kinh doanh…, trong khi năng lực của các hiệp hội DN còn nhiều hạn chế. Để giải quyết những bất cập này, các chuyên gia, DN cho rằng: Chính phủ nên giao một cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện CSR. Cơ quan này có sự phối hợp giữa Bộ LĐTB&XH, VCCI và Tổng LĐLĐVN. Về phía DN, cần chủ động xây dựng một chiến lược rõ ràng về thực hiện CSR. 

Ông Vũ Anh Đức - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN) cho rằng, tổ chức công đoàn cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật lao động, quy chế dân chủ ở DN, song song với việc ban chấp hành công đoàn từng DN nên xây dựng "chương trình hành động" để thúc đẩy CSR DN mình.
 
Theo Bộ LĐTB&XH, trong vòng 5 năm đã xảy ra 3.016 vụ đình công trên 29 địa phương, chủ yếu tại DN FDI chủ yếu do DN yêu cầu người lao động tăng ca liên tục, điều kiện lao động, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, DN trốn đóng BHXH, BHYT, không ký hợp đồng lao động... Việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể rất hạn chế, chỉ có 40% DN FDI thực hiện, còn khu vực ngoài Nhà nước mới có 25% DN thực hiện.