Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Nhanh chóng gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 3, Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh TTXVN

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đang có các dự án giao thông quan trọng, dự án giao thông trọng điểm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì tại điểm cầu TP Hà Nội.

Các dự án đang chậm so với yêu cầu

Tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải; nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án.

Theo báo cáo của các đơn vị, hiện khối lượng công việc cần triển khai của các dự án quan trọng quốc gia là rất lớn, trong khi tiến độ triển khai gấp đồng thời nhiều dự án, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên tiến độ thực hiện các dự án còn chậm so với yêu cầu.

Với các dự án cao tốc phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản có sử dụng nguồn vốn phục hồi kinh tế, nguồn vốn trung hạn, nguồn vốn vượt thu… Việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, giá bồi thường cây trồng; lập phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu tái định cư… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Quang cảnh phiên họp. 
Quang cảnh phiên họp. 

Cùng với đó, các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai dự án giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng do chưa có các quy định, hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Các dự án đi qua khu vực rừng cần thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở bước chủ trương đầu tư…Trong khi chủ trương đầu tư của dự án giao thông, vị trí hướng tuyến mới là sơ bộ nên rất khó khăn cho việc xác định. Đồng thời, việc lập chủ trương chuyển đổi được quy định chặt chẽ cần nhiều thời gian thực hiện ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung của dự án.

Thực tế cho thấy, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tuy nhiên các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục đối với các mỏ đất khai thác mới, bãi đổ thải phục vụ thi công.

Các dự án sử dụng vốn nước ngoài như đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, thủ tục triển khai phải tuân thủ đồng thời các thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng phức tạp và kéo dài.

Cùng với đó, thời gian vừa qua, thời tiết tại một số khu vực có diễn biến bất thường, mưa nhiều, kéo dài; nguồn cung xăng, dầu tại một số thời điểm hạn chế, giá xăng dầu có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt đối với 4 dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, thông xe kỹ thuật trong năm 2022. Đặc biệt, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đánh giá tiến độ thực hiện so với kỳ báo cáo trước, chưa làm rõ nguyên nhân, khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Nơi nào làm chậm trực tiếp báo cáo Thủ tướng

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả các dự án sẽ góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận, xử lý vấn đề, thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện; cách ứng xử với nhau và với công việc, nói phải đi đôi với làm, đã hứa là phải thực hiện và thực hiện hiệu quả.

Thủ tướng phê bình nhiều Trưởng ban chỉ đạo các địa phương vắng mặt trong cuộc họp, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc đất nước khó khăn, việc đẩy mạnh đầu tư công và sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm, sinh kế, thu nhập cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, các bộ, ngành địa phương khẩn trương rà soát các thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thủ tục hành chính, quy trình, quy phạm, tư vấn thiết kế, giám sát theo quy định của pháp luật, xem còn vướng mắc chỗ nào, ai xử lý, thuộc thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ ngành đó phải làm. Chỗ nào chậm thì làm văn bản báo cáo trực tiếp Thủ tướng.

Cùng với việc yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và công tác tái định cư, Thủ tướng chỉ đạo cơ quan vào cuộc thanh tra công tác đấu thầu, đấu giá, nhất định không được thông thầu, chống tham nhũng tiêu cực. Đồng thời, khâu tổ chức thực hiện phải khoa học, rõ trách nhiệm, tăng cường kiểm tra giám sát, duy trì giao ban hàng tháng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề nào cần điều chỉnh thì phải làm ngay, giảm bớt thủ tục, giấy tờ không cần thiết, khẩn trương xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến nguồn nguyên vật liệu cho các dự án.

Thủ tướng đã cho ý kiến về từng công trình, dự án quan trọng quốc gia và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, với dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, còn 4 dự án thành phần chưa hoàn thành, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải bằng mọi cách hoàn thành, không lùi tiến độ.

Về gói thầu xây dựng nhà ga chính Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm thực hiện đúng quy định ngay từ đầu, công khai, minh bạch. Về dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, trong tháng 11 này, Bộ Quốc phòng, TP. Hồ Chí Minh phải hoàn thành bàn giao mặt bằng.