KTĐT - Trong thời gian gần đây, lực lượng cảnh sát môi trường (CSMT) đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm khi kiểm tra các lô hàng tồn đọng tại các cảng trên địa bàn Hải Phòng.
Dù phát hiện được số lượng hàng hoá không đúng với khai báo (thực chất là chất thải nguy hại) khá lớn, nhưng để xử lý dứt điểm là điều rất khó khăn. Hơn nữa, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên vì ham lợi nhuận, các lô hàng vi phạm vẫn được nhập về...
Bãi đáp của chất thải nguy hại
Thượng tá Nguyễn Đức Đáng - Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về bảo vệ môi trường - CA TP cho biết: Quá trình rà soát, phân loại và kiểm tra một số lô hàng tồn đọng mà chủ hàng đã bỏ từ 1.4 đến nay, trong số 1.306 container, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện có khoảng 300 container có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Cảng có số lượng hàng hoá liên quan đến lĩnh vực môi trường nhiều nhất là cảng Đình Vũ với 89 container, cảng Green Port có 95 container...
Mới chỉ kiểm khoảng 30 container trong số đó, phát hiện hầu hết các lô hàng đều vi phạm. Hàng hoá mà các chủ hàng khai trên vận đơn thường là những hàng hoá rẻ tiền như cá khô, vỏ sò, rong biển, nhựa... là loại hàng hoá ít bị kiểm tra, thậm chí là hàng hoá trong danh mục thuộc luồng xanh, được miễn kiểm tra theo Luật Hải quan. Vì vậy, các cá nhân, đơn vị đã lợi dụng sự thông thoáng này để nhập về những lô hàng chất thải nguy hại, vi phạm pháp luật môi trường. Hàng loạt vụ vi phạm đã liên tục được phát hiện.
Gần đây nhất - ngày 1.7, tổ công tác liên ngành của TP đã kiểm tra lô hàng 15 container thuộc vận đơn số MSCUDU814192 tại cảng Đoạn Xá. Đơn vị đứng tên nhận hàng là Cty CP thương mại XNK Quế Thành (trụ sở tại phường Ka Long, TP.Móng Cái, Quảng Ninh). Trong vận đơn, hàng hoá khai báo là nhựa phế liệu. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, toàn bộ 15 container hàng này chứa toàn rác thải công nghiệp nguy hại. Ngày 18.6, tại cảng Đình Vũ, tổ công tác cũng kiểm tra lô hàng 6 container khai báo là vỏ chai nhựa của Cty TNHH Hợp Thành (Thái Bình), nhưng qua kiểm tra, lô hàng trên cũng toàn là rác thải công nghiệp, đã bốc mùi hôi thối...
Năm 2008, cơ quan chức năng phát hiện 282 container hàng phế liệu, năm 2009 là 57 container. 6 tháng đầu năm 2010, số lượng hàng hoá vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường cũng lên đến hàng chục vụ. Có thể nói, số lượng hàng hoá là chất thải nguy hại được nhập về qua các cảng trên địa bàn Hải Phòng là rất lớn và không có dấu hiệu giảm.
Gian nan công tác xử lý
Theo thượng tá Nguyễn Đức Đáng, mặc dù phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, nhưng các lô hàng chứa chất thải nguy hại vẫn không ngừng được nhập. Các cá nhân, tổ chức trong nước câu kết với các đối tượng ở nước ngoài, bằng những thủ đoạn tinh vi, khai báo là hàng hoá hợp pháp; sau đó, khi bị phát hiện thì lại từ chối nhận hàng với lý do hàng hoá không đúng yêu cầu hoặc không đăng ký mua loại hàng đó. Khi truy tìm đơn vị gửi hàng ở nước ngoài thì thường là những DN không có thật, hoặc DN đã thực hiện xong vụ gửi hàng rồi giải thể, hoặc trả lời rằng nhầm lẫn...
Trong khi đó, pháp luật của ta còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vẫn còn nhẹ. Số tiền các chủ hàng bị phạt khi bị phát hiện nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận mà họ thu được. Theo đó, đa phần những lô hàng vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu chủ hàng hoặc đại lý hãng tàu phải tái xuất khỏi lãnh thổ VN. Nếu không tìm được chủ sở hữu, cơ quan chức năng phải tổ chức tiêu hủy, rất tốn kém.
Do đó, để công tác phòng, chống vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường thì việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi pháp luật, xác định trách nhiệm của đại lý hãng tàu, chủ DN đơn vị vận chuyển, nhà nhập khẩu... là việc làm cần thiết. Ngoài ra, cần phải nâng cao mức xử phạt hành chính và có sự quan hệ hợp tác quốc tế với các nước về công tác bảo vệ môi trường... mới mong ngăn chặn được nạn vi phạm.