Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh: Sức ép lớn của ngành chăn nuôi

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang gây thiệt hại lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại thì ngành chăn nuôi trong nước lại chịu thêm sức ép từ sản phẩm thịt lợn nhập khẩu. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp can thiệp để không để xảy ra bất ổn đối với mặt hàng thịt lợn cũng như ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Khách chọn mua thịt lợn nhập khẩu tại siêu thị Hapro. Ảnh: Việt Linh
Nhập khẩu 4.000 tấn thịt lợn
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2019, các DN trong nước đã nhập hơn 4.000 tấn thịt lợn đông lạnh với kim ngạch hơn 7 triệu USD, tương đương số lượng thịt lợn nhập khẩu của cả năm 2018. Sản phẩm thịt lợn chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Ba Lan, Đức, Canada… với mức giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, thấp hơn sản phẩm trong nước từ 20.000 - 40.000 đồng/kg; thậm chí, thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha giá chỉ bằng một nửa so với thịt lợn Việt Nam.
Cục Chăn nuôi đang tổng kết 10 năm (2008 - 2018) thực hiện chiến lược cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi lợn, tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu…). Đồng thời, xây dựng các vùng chăn nuôi, chuỗi chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ để thu hút sự tham gia của các DN, trang trại lớn, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương

Lý giải hiện tượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc cho rằng, DTLCP xảy ra tại 60 tỉnh, TP với số lợn tiêu hủy 2,82 triệu con. Nhận thấy nguồn cung thiếu hụt nên nhiều DN đã nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, giá thịt lợn trong nước đang cao hơn mức bình quân của thế giới nên với DN nhập khẩu thịt lợn, đây là cơ hội để họ thu lợi nhuận.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4.000 tấn thịt lợn đông lạnh, chủ yếu phục vụ các nhà hàng, cơ sở chế biến xúc xích, thịt nguội. Con số này không đáng kể và cũng chưa thể thay thế loại thịt tươi truyền thống. “Mặc dù, thời gian qua do ảnh hưởng bệnh DTLCP nên lượng thịt lợn nhập khẩu về tăng mạnh, song chúng ta không thể cấm nhập khẩu thịt lợn, cũng không để thiếu hụt nguồn cung. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt nhập về Việt Nam” – ông Dương nói.

Cân đối cung – cầu

Hiện, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con; số lợn chết, tiêu hủy do bệnh DTLCP vào khoảng 7 - 8% và khả năng đến 10 - 15% nên nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt lợn vào dịp cuối năm và thời gian tới là có thể xảy ra. Để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt, ngành chăn nuôi tìm mọi cách để bảo vệ, duy trì đàn lợn còn lại, các trang trại chăn nuôi lớn, trang trại lợn giống, cần sẵn sàng khôi phục đàn khi thuận lợi. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng dần tăng nguồn cung thịt gia cầm, trứng, gia súc, sữa (trâu, bò, dê, cừu…) và thủy sản.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với tình hình dịch, tiêu hủy lợn như vừa qua, lượng thịt lợn nhập khẩu trong thời gian tới có thể tăng hơn nữa. Vì vậy, phải tìm nguồn cung để thay thế thịt lợn, đồng thời thay đổi thói quen tiêu dùng trong nước. Cụ thể, thay vì sử dụng thịt lợn, người dân có thể thay thế bữa ăn bằng thịt gà, bò, cá... Đây là giải pháp khả thi để không phụ thuộc vào nguồn thịt lợn nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề thị trường và kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn khẳng định, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường và đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn đối với mặt hàng thịt lợn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như: Hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch thú y để tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là với thịt lợn nhập khẩu tại cửa khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.