KTĐT - Phải thừa nhận là cho nhập hay xuất phải theo cung cầu thị trường. Hiện nay ta không thiếu vàng, nhưng vẫn cho nhập nhằm giải tỏa áp lực tâm lý thiếu nguồn cung vốn là yếu tố đẩy giá tăng cao những ngày qua.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định nguồn vàng trong nước không thiếu nhưng vẫn quyết định cho nhập khẩu nhằm giải tỏa áp lực tâm lý, qua đó cắt cơn sốt giá hiện nay.
Thống đốc Giàu trao đổi với báo chí chiều qua 11/11, khi thị trường vàng bắt đầu đổi hướng, giá liên tục rớt mạnh từ đỉnh cao hơn 29 triệu đồng một lượng.
- Thống đốc có nghĩ là đã muộn khi bây giờ mới cho nhập vàng, sau thời gian dài thị trường khan hiếm nguồn cung và giá đã bị đẩy lên quá cao?
- Thực ra trong nước không hề thiếu vàng. 4 năm gần đây chúng ta nhập vàng nguyên liệu rất mạnh. Năm 2005 nhập 48 tấn, 2006 nhập 91 tấn, 2007 là 51 tấn và 2008 nhập 91 tấn. Nhưng lượng vàng nguyên liệu xuất đi rất ít, năm ngoái cấp quota 18 tấn nhưng thực xuất 11 tấn, năm nay cấp quota 32 tấn nhưng thực xuất 26,7 tấn. Loại trừ phần đã chế tác để xuất khẩu, trong nước vẫn còn tồn một lượng lớn vàng nguyên liệu.
Giá vàng trong nước chịu nhiều tác động của thế giới và cả những yếu tố tâm lý trong nước. Tin đồn Việt Nam phá giá đồng nội tệ tác động không nhỏ tới thị trường vàng. Tôi đã tuyên bố không phá giá, nhưng vàng vẫn bị đẩy lên cao. Đến sáng 11/11, tôi làm việc với tổng giám đốc 5 ngân hàng thương mại nhà nước, họ đều khẳng định giá tăng là do đồn thổi. Nhưng nếu cứ để như vậy mà không can thiệp, sẽ mất nhiều thời gian để ổn định trở lại và có thể gây tổn thất cho nhân dân. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước quyết định sẽ cấp quota cho những doanh nghiệp kinh doanh lớn để nhập vàng về bình ổn thị trường.
- Số lượng nhập dự kiến sẽ là bao nhiêu?
- Sẽ cấp quota đủ đáp ứng nhu cầu và khả năng của các doanh nghiệp. Đợt đầu sẽ cấp cho khoảng 5-6 doanh nghiệp mạnh, một vài hôm nữa sẽ tính thêm. Ngân hàng Nhà nước chủ trương cấp quota cho những doanh nghiệp có tiềm lực về ngoại tệ, tránh trường hợp đồn thổi vì các đầu mối phải gom đôla để nhập vàng mà đẩy tỷ giá lên cao.
Nhưng phải nhìn sự thật là nhập vàng lúc này không dễ dàng. Giá đang cao, biết đâu mai xuống nhanh. Nhập lúc này năm ăn năm thua và thực sự là bài toán cân não. Mình cấp quota như vậy thôi, nhưng nếu nhu cầu thị trường chỉ là ảo, doanh nghiệp có toàn quyền chủ động linh hoạt trong việc nhập hay không.
- Có ý kiến cho rằng giá vàng tăng cao thời gian qua một phần vì doanh nghiệp muốn tạo sức ép với cơ quan quản lý để cho nhập vàng. Xin cho biết quan điểm của ông?
- Tôi tin các doanh nghiệp làm ăn chân chính không làm chuyện đó. Mọi người cứ thứ tới hỏi Tổng công ty Vàng Agribank xem họ có thiếu vàng không? Họ không thiếu vàng và trong những ngày qua vẫn tham gia bình ổn thị trường. Như tôi đã nói, nhập vàng lúc này không dễ dàng, bởi giá lên nhanh cũng sẽ xuống nhanh, làm sao tính toán cho lại.
- Lâu nay Ngân hàng Nhà nước không cho nhập vàng vì lo vấn đề nhập siêu. Liệu cho nhập bây giờ có phải là giải pháp mang tính tình thế?
- Dĩ nhiên, ta có sức ép về kinh tế vĩ mô, không nên lãng phí nếu không cần thiết. Khi cho nhập vàng, nhập siêu có thể tăng lên nhưng không ảnh hưởng tới cán cân tổng thể, vì nhu cầu nhập sẽ không lớn đến mức có thể gây đột biến.
Phải thừa nhận là cho nhập hay xuất phải theo cung cầu thị trường. Hiện nay ta không thiếu vàng, nhưng vẫn cho nhập nhằm giải tỏa áp lực tâm lý thiếu nguồn cung vốn là yếu tố đẩy giá tăng cao những ngày qua.
- Cùng với diễn biến thị trường vàng, tỷ giá đôla trên thị trường tự do những ngày qua cũng tăng cao và gần chạm mốc 20.000 đồng vào trưa 11/11. Ngân hàng Nhà nước có động thái gì bình ổn thị trường ngoại tệ?
- Thực ra thị trường ngoại tệ tự do chịu tác động mạnh của giá vàng. Chính giá vàng đã đẩy giá đôla lên cao như vậy. Dĩ nhiên, một vài thông tin nhập siêu cũng tác động tâm lý tới thị trường. Tới đây, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng, giá vàng sẽ xuống, tâm lý dân chúng ổn định thì đôla cũng xuống thôi.
- Có thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước sắp trình Chính phủ biện pháp điều chỉnh tỷ giá và đây là nhân tố khiến giá đôla tăng cao?
- Hoàn toàn không có chuyện đó. Ngân hàng Nhà nước đang được Chính phủ giao nghiên cứu đề án về thị trường ngoại hối, trong đó có nghiên cứu tới các mô hình. Cái này không liên quan gì tới thị trường hiện nay cả.
- Vậy chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá thời gian tới sẽ như thế nào?
- Nếu tính từ cuối năm ngoái tới nay, chúng ta có 2 lần điều chỉnh tỷ giá lớn và một số lần nhỏ nhỏ, tổng cộng tỷ giá liên ngân hàng đã tăng thêm 5,18%. Điều chỉnh như vậy là hợp lý.
Một số ý kiến đề xuất nên linh hoạt điều chỉnh tỷ giá, về nguyên lý là đúng. Nhưng nếu chính sách tỷ giá của một quốc gia ngày nào cũng thay đổi sẽ gây khó cho hoạt động kinh tế xã hội. Ngân hàng Nhà nước được giao điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt có sự quản lý của nhà nước theo hướng ổn định. Ổn định không có nghĩa là cố định, mà theo diễn biến thị trường để điều chỉnh hợp lý, không tạo ra những thay đổi quá lớn.
Trên bình diện xuất khẩu, nhiều người nói phải điều chỉnh tỷ giá sao cho có lợi cho xuất khẩu. nhưng không có lý do gì để làm như vậy. Mấy tháng nay đồng đôla mỹ mất giá so với các đồng tiền mạnh, ví dụ với euro giảm 7,35%. Trong khi đó, trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam không ít mặt hàng phải nhập nguyên vật liệu về để sản xuất rồi xuất khẩu. Vì thế ta không thể hoàn toàn theo các nước để điều chỉnh tỷ giá hỗ trợ cho xuất khẩu. Hiện dự trữ ngoại tệ của chúng ta đảm bảo đúng quy định quốc tế, đáp ứng đủ 12 tuần nhập khẩu.