Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản: Cạn tiền, cạn cả thời gian

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giống như chặng đường gian nan để giành lại ngôi vị số 1 thế giới của nhiều tập đoàn đình đám một thời như Sony, Panasonic, Toyota... kinh tế Nhật Bản cũng đang phải vất vả tìm lại vị thế của mình trong lúc cả nguồn tài chính lẫn thời gian đều đang dần cạn kiệt.

 Cỗ máy in tiền của Nhật Bản đã hoạt động hết công suất trong vài năm qua, nhất là sau khi thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 giáng thêm một đòn chí mạng vào nền kinh tế vốn đã rơi vào thời kỳ giảm tốc kéo dài. Các gói kích thích tăng trưởng liên tiếp được ban hành với quy mô của gói sau lớn hơn gói trước nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả thực sự. Ngày 30/10, Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) tuyên bố sẽ mở rộng chương trình mua tài sản - công cụ chính sách chủ chốt của cơ quan này - thêm 11.000 tỷ Yen (138 tỷ USD) lên 91.000 tỷ Yen, trong khi vẫn duy trì lãi suất ở mức 0 - 0,1%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2003, BOJ buộc phải nới lỏng mọi chính sách về tiền tệ trong hai tháng liên tiếp. Đặc biệt, trong một động thái hiếm hoi, BOJ đã ra một thông báo chung với Chính phủ cam kết sẽ cùng nỗ lực vực dậy và đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Nhật Bản: Cạn tiền, cạn cả thời gian - Ảnh 1

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihoko Noda tại phiên họp Quốc hội bất thường ngày 29/10

 Việc in tiền triền miên và thường xuyên sử dụng “cây gậy thần” mua tài sản cho thấy, Tokyo luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức của thị trường toàn cầu. Nhưng rõ ràng nỗ lực của Chính phủ nước này là chưa đủ khi không hội tụ được yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 cùng với áp lực từ việc đồng Yen mạnh, kinh tế thế giới suy giảm, tranh cãi quanh vấn đề biển đảo... đã tác động tiêu cực tới nhu cầu của thị trường quốc tế đối với những sản phẩm của nước này. Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 9/2012 đã giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2011, phản ánh sức kháng cự yếu ớt của nền kinh tế Nhật Bản trước các yếu tố tác động từ bên ngoài.

 Giữa lúc các dữ liệu cho thấy kinh tế Nhật Bản chắc chắn sẽ tăng trưởng âm trong quý III, áp lực về thời gian đang đè nặng lên Chính phủ nước này khi những bế tắc chính trị liên quan tới dự luật tài trợ thâm hụt ngân sách hiện nay sẽ đẩy các cơ quan nhà nước vào cảnh phải ngừng hoạt động. Thông điệp của Thủ tướng Yoshihiko Noda đưa ra hôm 29/10, trong đó kêu gọi các nghị sĩ không nên gây ra một cuộc khủng hoảng do đình trệ về ngân sách giống như tại Mỹ hồi năm ngoái nhiều khả năng sẽ không được đáp ứng do mâu thuẫn giữa các đảng phái ngày càng trở nên gay gắt. Tình cảnh cạn kiệt nguồn lực tài chính và thời gian của Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến những phiên họp Quốc hội hay Nội các bất thường để thảo luận về kinh tế trở nên bình thường. Và khi đó, Nhật Bản rất có thể sẽ đánh mất cả vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp các nền kinh tế thế giới và tự làm suy giảm vị thế của mình trên chính trường toàn cầu.