Tính đến tháng 8 năm 2014, thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản đạt khoảng 17,3 tỷ USD. Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam luôn duy trì được mức xuất siêu đối với Nhật Bản và Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 4 của Việt Nam. Các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang Nhật Bản là dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu (NK) từ Nhật Bản các mặt hàng như thiết bị cơ khí, máy vi tính - sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, sản phẩm từ chất dẻo, vải các loại. Hiện kim ngạch NK từ Nhật Bản vào Việt Nam lớn thứ ba, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo đánh giá Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Nakajima Satoshi, hiện tại, tuy tỷ lệ kim ngạch XNK giữa Nhật Bản và Việt Nam chỉ chiếm 1,65% trong tổng kim ngạch XNK của Nhật Bản, tuy nhiên trước sự phát triển không ngừng của quan hệ thương mại song phương giữa hai nước như hiện nay, trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Nhật Bản. Hiện Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) từ tháng 12- 2008, hai nước cam kết cùng nhau hợp tác để phát triển quan hệ kinh tế, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, một nét mới cần chú ý trong quan hệ Nhật - Việt trong giai đoạn gần đây đó là hoạt động trao đổi không chỉ ở cấp quốc gia mà giao lưu giữa các địa phương của Nhật Bản với các tỉnh thành của Việt Nam cũng đang diễn ra sôi nổi. Liên quan đến các tiêu chuẩn XK hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, ông Nakajima Satoshi cho biết, để có thể đẩy mạnh được XK vào thị trường Nhật, một trong những điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý chính là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt hàng XK có triển vọng của Việt Nam vào thị trường Nhật là nông thủy sản. Tuy nhiên, một số vấn đề thường gặp đối với các mặt hàng thực phẩm NK từ Việt Nam như là tồn dư thuốc kháng sinh (Ethoxyquin) trong tôm, hay là cá trứng đông lạnh (cá shishamo) bị nhiễm các sinh vật lạ. “Người tiêu dùng Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, thời gian gần đây sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến thịt gà Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Nhật càng nghiêm khắc hơn trong việc kiểm tra đối với các mặt hàng thực phẩm NK. Do vậy, để có thể NK được các mặt hàng thực phẩm vào thị trường Nhật, trước hết các doanh nghiệp cần tuân thủ và đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, đồng thời, các mặt hàng này cũng bắt buộc phải vượt qua được nhiều khâu kiểm tra của các cơ quan chức năng Nhật Bản. Điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để lấy lại được niềm tin từ người tiêu dùng”, ông Nakajima Satoshi cho biết.