Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản hỗ trợ VN giám sát về an toàn thực phẩm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 8/11, Dự án “Tăng cường năng lực và hệ thống kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản” giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã được ký tại Hà

Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam gần 4,5 triệu USD để nâng cao năng lực giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản.

Sáng 8/11, Dự án “Tăng cường năng lực và hệ thống kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản” giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã được ký tại Hà Nội.

Dự án trên sẽ được tiến hành trong ba năm, từ 2011 tới 2014, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 350 triệu Yên (gần 4,5 triệu USD) - từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản.

Đối tác dự án là Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (viết tắt là NAFIQAD), Chi nhánh 4 và Chi nhánh 6 của NAFIQAD (Hai cơ sở thí điểm của dự án), Cục Bảo vệ Thực vật và Cục Thú y.

Dự án được ra đời trong bối cảnh ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra nhiều ở Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam là thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn bị nước nhập khẩu tiêu hủy, bị gửi trả lại do có vấn đề về an toàn thực phẩm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng Mười, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 93 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.400 người bị ngộ độc, trong đó 15 trường hợp tử vong.

Ông Taigo Endo, chuyên gia SPS của JICA – người tham gia nghiên cứu xây dựng dự án nhận định thực tế là ở Việt Nam, hệ thống quy định liên quan đến an toàn thực phẩm đã có nhưng năng lực thực hiện vẫn cần cải thiện.

Ông Taigo Endo cho hay: “Nghiên cứu cũng cho thấy cơ cấu tổ chức giám sát tính an toàn của toàn bộ thực phẩm nông thủy sản một cách khoa học và tổng quát của Việt Nam vẫn chưa có. Nhiều phòng thí nghiệm chưa được trang bị máy móc phân tích vi mô và máy phân tích có tính chính xác cao, nên đối tượng thực phẩm và hạng mục kiểm tra còn bị hạn chế, và đôi khi kết quả kiểm tra còn khác biệt giữa các phòng thí nghiệm.”

Trong dự án này, Nhật Bản phát huy kinh nghiệm và thế mạnh của mình về công nghệ kỹ thuật, áp dụng ba hoạt động chính là chuyển giao kỹ thuật kiểm tra, cải tiến hệ thống kiểm tra và đào tạo con người thông qua đào tạo trong nước và đào tạo tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ba mục tiêu của dự án được đề ra nhằm nâng cao năng lực kiểm tra thực phẩm nông thủy sản tại các phòng thí nghiệm của Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Cải tiến Chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông thủy sản và nâng cao năng lực của các cán bộ tham gia chương trình này.