Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhất quán các giải pháp phục hồi nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần vực dậy niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF 2012) do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 3/12.

Giảm điểm lạc quan

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 2 năm 2011 - 2012 đã có hơn 100.000 DN giải thể, bằng 20% tổng số DN bị giải thể trong 20 năm qua. Trong tháng 11/2012 số DN đóng cửa (5.870) đã vượt qua số đăng ký mới (5.800). Mức độ lạc quan của DN cũng giảm từ 45% trong năm 2011 xuống còn 33% trong năm 2012. Điều đó cho thấy,  mức độ lạc quan của các DN về môi trường kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua kể từ VCCI bắt đầu thực hiện khảo sát.

Nhất quán các giải pháp phục hồi nền kinh tế - Ảnh 1

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần có thêm các chính sách dài hạn.Trong ảnh: Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty CANON Vietnam. Ảnh: Hải Linh

Số liệu của VCCI cũng cho thấy, thuế thu nhập DN tại Việt Nam hiện ở mức 25%, cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực. Thuế tại Thái Lan hiện là 23%, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều có mức thuế 17% cho khu vực DN nhỏ và vừa. Mức thuế cao cộng với sự giảm sút mức độ lạc quan của DN khiến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng sụt giảm mạnh từ mức 64 tỷ USD trong năm 2008 xuống dưới 10 tỷ USD trong năm 2012.

Ông Prepen Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: Niềm tin và triển vọng kinh doanh của 800 DN hội viên EuroCham đang ở mức thấp nhất kể từ lần đầu tiên thực hiện khảo sát vào quý IV/2010 (45 điểm so với 75 điểm).

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN trong nước và nước ngoài (Liên minh VBF) ngành ô tô, xe máy sụt giảm từ năm 2011 và tiếp tục sụt giảm 30% doanh thu trong năm 2012. Trong thời gian tới, nếu Chính phủ không có biện pháp hỗ trợ các DN trong lĩnh vực này thì khi thị trường được mở cửa, ngành ô tô, xe máy sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn. Bên cạnh đó, năng lực quản trị của DN Việt Nam vẫn chưa có nhiều tiến bộ, "ít chú ý đến đổi mới công nghệ, trình độ quản lý, trong khi lại chú trọng nhiều đến các mối quan hệ" - ông Alain Cany nhấn mạnh.

 

Gỡ khó cách nào?

Nhằm gỡ khó cho DN, trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như: Giảm, giãn thuế cho DN, hỗ trợ bốn nhóm DN tiếp cận vốn...

Mặc dù đánh giá cao những giải pháp mang tính chất ngắn hạn của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN phát triển, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp dài hạn bởi kéo dài chính sách ngắn hạn sẽ gây ra hậu quả là, ngay cả DN tốt cũng có thể biến mất. Trong thời gian tới, Chính phủ cần bổ sung thêm nguồn lực, tăng cường sự phối hợp, nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ DN cũng như các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo hướng tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính, quy mô phù hợp với thị trường năng lực quản trị và khả năng tài chính.

Đối với kiến nghị giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống 20% để khuyến khích đầu tư, Chính phủ đã thống nhất và dự kiến trình Quốc hội cho phép giảm thuế thu nhập ở mức độ phù hợp cho DN ngay trong năm 2013. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng sẽ có biện pháp rà soát, gỡ bỏ một số khoản thuế, phí khác để tháo gỡ khó khăn cho DN.Một vấn đề khác là, tốc độ tăng lương tối thiểu ở khu vực DN của Việt Nam quá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại. Theo dự kiến trong năm 2013 sẽ tăng lên đến 22 - 25%. Xung quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, mức tăng lương sẽ chỉ ở khoảng 17 - 18% như vậy chỉ có khoảng 6,6% DN buộc phải điều chỉnh; số tiền tăng lương cũng chiếm chưa đến 1% chi phí kinh doanh.

Phó Thủ tướng khẳng định, phải nhất quán thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và huy động mọi nguồn lực xã hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bản thân DN cũng cần nâng cao năng lực quản trị, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ỷ lại sự hỗ trợ của Chính phủ.