Người máy với vóc dáng thiếu nữ này có tên "Kodomoroid," một sự kiết hợp giữa từ "kodomo" (đứa trẻ) trong tiếng Nhật và từ "android," đã đọc một bản tin về động đất và tin về cuộc đột kích của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI trước các phóng viên đang há hốc mồm vì ngạc nhiên ở Tokyo.
Cô còn trêu chọc những người tạo ra mình, khi quay sang nói với giáo sư robot Hiroshi Ishiguro rằng: “Ông bắt đầu trông giống như một robot vậy!”.
Kodomoroid với giọng nói hoàn hảo, đã xuất hiện bên cạnh một người máy khác giống người trưởng thành. “Cô” người máy này đã khiến khán giả lạnh gáy khi bắt đầu giới thiệu về bản thân: “Tôi là Otonaroid.”
Chuyên gia Hiroshi Ishiguro (trái) và giám đốc Bảo tàng quốc gia về Khoa học và sáng tạo Mamoru Mohri cùng với hai MC “Kodomoroid” (Nguồn: AP)
|
Trong tiếng Nhật, "otona" có nghĩa người lớn. Cô cũng xin khán giả thứ lỗi sau khi thực hiện việc khởi động lại, nói rằng: “Tôi hơi căng thẳng.”
Cả 2 người máy này sẽ làm việc tại Bảo tàng quốc gia về Khoa học và sáng tạo tương lai. Cả 2 sẽ giao tiếp với du khách để thu thập dữ liệu về phản ứng của họ sau các cuộc trò chuyện. Dữ liệu sẽ phục vụ nghiên cứu của Ishiguro
"Trong tương lai, chúng ta sẽ có thêm ngày càng nhiều robot hiện diện trong cuộc sống của mình” - Ishiguro nói với AFP.
“Bạn có thể đưa robot của tôi lên máy bay, với phần thân nằm trong hành lý ký gửi và phần đầu trong hành lý xách tay.”
Ishiguro còn tạo ra một robot giống hệt ông và đã gửi nó ra nước ngoài để trợ giúp ông giảng bài từ xa.
“Robot đã giúp giảm các chuyến công tác của tôi” - ông nói - “Sự tiến bộ về công nghệ có nghĩa ngoại hình và hoạt động của robot sẽ ngày càng giống chúng ta hơn, khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn về giá trị của mình.”
Dường như Otonaroid sẽ phải được lập trình lại trước khi bắt đầu công việc mới ở bảo tàng, do môi cô không khớp với lời nói và cử động cổ trông không bình thường.
Kodomoroid ra mắt các nhà báo ở Tokyo. (Nguồn: AP)
|
Tuy nhiên Ishiguro khẳng định cả 2 robot sẽ giúp mang tới các thông tin giá trị trong nghiên cứu của ông. “Các robot sẽ giúp mang lại phản hồi quan trọng, khi chúng tôi tìm cách trả lời câu hỏi con người là gì” - nhà khoa học 50 tuổi nói - “Chúng tôi muốn robot trở nên ngày càng thông minh.”
Một robot hay chuyện mang hình người, có tên Pepper, được thiết kế bởi công ty SoftBank với vai trò bầu bạn trong nhà, sẽ được bán vào năm tới tại Nhật Bản, với giá 2.000 USD. robot đã có màn ra mắt thành công vào đầu tháng này.
“Mức giá đó chỉ ngang với một chiếc máy tính xách tay mà thôi” - Ishiguro nói - “Thật kinh ngạc.”
Trong ví dụ sinh động cho thấy lằn ranh giữa con người và máy móc tiếp tục mờ đi, những người máy dẫn chương trình của Ishiguro vẫn không ngừng khiến cánh phóng viên kinh ngạc qua từng câu nói rất “người.”
“Giấc mơ của tôi là có chương trình truyền hình của riêng mình trong tương lai” - Kodomoroid nhỏ nhẹ nói.