Ngay sau sự việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước đã họp khẩn để xác minh thông tin, truy tìm người giết hại những con chim Hồng hoàng để xử lý theo pháp luật. Giết chim quý là đáng lên án, nhưng đáng lên án hơn chính là hành động khoe mẽ, thể hiện giá trị đẳng cấp của sự giàu sang từ cách làm mang tính tận diệt.Theo thông tin được biết, chim Hồng hoàng, còn gọi là Phượng hoàng đất là một loài chim quý thường sinh sống sâu trong rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Do bị mất môi trường sống cũng như bị săn bắn ở một số nơi (mỏ loài chim này đắt gấp 3 lần ngà voi - 6.150USD/kg) nên Hồng hoàng được đánh giá là gần (cận) nguy cấp trong sách đỏ của IUCN. Ở Việt Nam, giới nhà giàu, DN hay lùng săn động vật quý hiếm để ăn thịt, nấu cao như các loại cá quý hiếm, cao hổ, sừng tê giác, ngà voi… Thú chơi của các đại gia có tiền này đều bị cấm và lên án. Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã từng cho biết, Việt Nam là nguồn tiêu thụ lớn các loại động vật đứng trước nguy cơ tiệt chủng, tận diệt.Ăn thịt động vật quý hiếm, khoe mẽ trên Facebook thể hiện hành vi ác độc, kém văn hóa, gây phản cảm... của nhiều kẻ có tiền. Nhiều người liên hệ vụ doanh nhân “nhậu chim” ở Bình Phước với những thanh niên “ăn khỉ” ở Hà Tĩnh là cùng bản chất và hành vi về sự tận diệt. Thú chơi này đã vấp phải sự phán xét kịch liệt của cộng đồng mạng xã hội, khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nhưng việc xử lý, rút cục, chỉ là tuần tự theo quy định pháp luật, khi không còn có thể khắc phục được hậu quả nữa.Lên án hành động nhậu chim, ăn khỉ, chơi ngà voi, buôn sừng tê..., mạng xã hội và cộng đồng đang làm quá tốt việc điều chỉnh những hành vi đạo đức xã hội. Điều chỉnh bằng sự lên án, ngẫm ra cũng là một thứ giáo dục, để ít nhất nó dần sẽ không còn là một thứ đồ mà người ta có thể khoe khoang, để nó không còn là thước đo của giá trị đẳng cấp. Việc còn lại là của cơ quan quản lý, muốn ngăn chặn, loại bỏ những hành vi khoe mẽ phản cảm như vậy thì phải xử lý mạnh tay, phạt nặng các đối tượng vi phạm.