Dù mang lại hiệu quả lớn nhưng đến nay, hoạt động và doanh thu của các ĐLT vẫn hết sức khiêm tốn. Doanh nghiệp bớt sai sót trong công tác thuế Tại buổi “Tọa đàm về phát triển đại lý thuế” do Cục Thuế Hà Nội tổ chức ngày 24/5, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các ĐLT nêu ra để cùng cơ quan thuế tìm cách tháo gỡ. Bà Trần Thị Tú Anh - Giám đốc Công ty TNHH Kim Long cho biết, sau khi ký hợp đồng thực hiện các thủ tục thuế qua Công ty Kiểm toán TNC, công tác thuế tại Công ty thuận lợi và nhanh chóng hơn: “Các ĐLT giúp chúng tôi giảm bớt các sai sót, yên tâm tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, DN cũng được hưởng đầy đủ các ưu đãi về thuế, hoàn thuế đúng thời gian”.
“Nhẹ gánh” hơn nhờ các ĐLT là đánh giá chung của nhiều DN. Qua tiếp xúc với các DN nhỏ và vừa (DNNVV), bà Lê Thụy Yến - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, khoảng 90% DNNVV lo lắng về công tác thuế. Nguyên nhân là vì nhiều DN hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như trình độ của cán bộ kế toán thực hiện công tác thuế. Khi được ĐLT chuyên nghiệp tư vấn, DN đã thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình. Hệ thống ĐLT chính thức hoạt động từ năm 2011. Các ĐLT cung cấp dịch vụ về thủ tục kê khai, nộp và hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Bên cạnh hỗ trợ NNT, ĐLT cũng giúp cơ quan thuế giảm tải khối lượng công việc do cán bộ thuế được làm việc với những đơn vị chuyên nghiệp, am hiểu về thủ tục. Ông Nguyễn Thế Mạnh - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, thời gian qua, Cục chú trọng phát triển hệ thống ĐLT theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động hỗ trợ NNT, tạo tiền đề nhằm tăng dần số lượng và chất lượng dịch vụ do ĐLT cung cấp; mở rộng, đa dạng hóa dịch vụ của ĐLT... Cung vẫn chưa đáp ứng Hiệu quả mang lại khá cao nhưng đến nay, số lượng và doanh thu của các ĐLT vẫn rất khiêm tốn. Hiện, trên toàn quốc mới chỉ có 290 ĐLT, còn 29 địa phương chưa có ĐLT. Các ĐLT vẫn phải làm thêm nhiều hoạt động khác ngoài dịch vụ thủ tục thuế như kế toán, rà soát báo cáo tài chính, tư vấn tài chính... để tồn tại. So với nhu cầu của DN và NNT thì số lượng ĐLT vẫn chưa đáp ứng được. Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 120.000 DN, hơn 140.000 hộ kinh doanh cá thể và hơn 3,2 triệu NNT thu nhập cá nhân nhưng chỉ có 93 ĐLT. Điều này đã hạn chế việc phát huy vai trò của ĐLT trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của NNT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu. Số lượng ĐLT quá thấp so với nhu cầu kéo theo việc gia tăng áp lực lên cơ quan thuế trong bối cảnh số lượng NNT không ngừng gia tăng và yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính thuế. Trước thực trạng trên, nhiều ĐLT kiến nghị cơ quan thuế tăng cường tập huấn để các ĐLT nắm bắt được các chính sách thuế mới, tăng cường cải cách hành chính, có kênh thông tin riêng chia sẻ hỗ trợ, có quy chế phối hợp giữa hội tư vấn thuế và các ĐLT... Về vấn đề này, ông Mạnh cho biết, Cục Thuế Hà Nội hiện đang xây dựng quy chế phối hợp giữa Hội tư vấn và các ĐLT, cơ quan thuế ghi nhận và triển khai ngay việc mời các ĐLT tham gia tập huấn các chính sách thuế mới... Đại diện Cục Thuế cũng mong các ĐLT tập trung nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động và triển khai một số cơ chế ưu tiên đối với NNT sử dụng dịch vụ tư vấn, khuyến khích và động viên NNT làm quen và sử dụng các dịch vụ do mình cung cấp. Thời gian tới, Cục Thuế sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ các ĐLT phát triển.
Hệ thống đại lý thuế đã hỗ trợ người nộp thuế thực hiện tốt hơn nghĩa vụ thuế và giảm tải áp lực cho cơ quan thuế. Ảnh: Phạm Hùng |
Hà Nội có 93 ĐLT được cấp phép với 242 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề và làm thủ tục về thuế. Một số ĐLT đã thể hiện được vị thế của mình trong việc phối hợp với cơ quan thuế, hỗ trợ NNT thực hiện nghiêm túc, giảm thiểu rủi ro các hành vi vi phạm pháp luật thuế, là cầu nối giữa cơ quan thuế với NNT. |