Thêm một lần nữa, người quan tâm đến nhiếp ảnh lại lắc đầu ngao ngán. Dối trá và trùng lắp Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” sau khi công bố đoạt HCV Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ 5 (ngày 4/7) đã gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Nhiều người cho rằng đây là một sản phẩm lắp ghép bằng kỹ thuật photoshop vụng về. Ngày 9/7, Ban tổ chức đành phải rút lại HCV dành cho tác phẩm này. Tác giả Nguyễn Đắc Như cũng viết thư cho Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xin rút toàn bộ ảnh triển lãm và ảnh đoạt giải.
Còn nhớ, Liên hoan ảnh khu vực TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 chủ đề “TP Hồ Chí Minh, 40 năm đổi mới” hồi tháng 8/2015 cũng bị nhiều tay máy bất bình vì chất lượng ảnh đoạt giải quá kém. Trung tuần tháng 5 vừa qua, 2 bức ảnh “Buổi sáng mùa đông” và “Vó đánh cá” của Nguyễn Trọng Nghĩa và Lý Hoàng Long lại gây xôn xao vì như… hai giọt nước. Hai tác phẩm lần lượt đoạt HCV FIAP tại cuộc thi ảnh quốc tế Arbella lần thứ 6 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức năm 2016 và cuộc thi ảnh Trophy Gipuzkoa International 2014 tại Tây Ban Nha. Hay tác phẩm “Về nguồn” được trao giải Nhất cuộc thi Ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc lần thứ 7 của Nguyễn Trang Kim Cương gây tranh luận vì tên ảnh không phù hợp với ảnh chụp nhóm khách nước ngoài đang khám phá Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Lý giải về điều này, Ban tổ chức nhận thiếu sót khi chấm ảnh mà không chấm tên ảnh… Đấy là chưa kể rất nhiều cuộc thi ảnh tại Việt Nam vướng lùm xùm vì photoshop quá đà, lắp ghép sai sự thật, ăn cắp bản quyền… Sự sáng tạo hạn hẹp Không phủ nhận những đóng góp của môn nghệ thuật ánh sáng, nhưng các “fan” của nhiếp ảnh cảm thấy thất vọng không ít bởi tính chân thực của ảnh có phần giảm sút do việc quá lạm dụng photoshop. Chính người trong nghề cũng cho rằng, sử dụng photoshop giống như “con dao hai lưỡi”. Theo các tay máy chuyên nghiệp, chỉ khi người làm ảnh có kỹ năng, hiểu nhiếp ảnh và có phông văn hóa thì mới “tiết chế” được sự can thiệp của photoshop vào các tác phẩm. Chuyện bức ảnh “sinh đôi” của Nguyễn Trọng Nghĩa là mới, nhưng “căn bệnh” này của nhiếp ảnh Việt Nam là vấn đề cũ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm cho rằng: “Việc đi sáng tác chung vẫn cần vì… nhu cầu chia sẻ kinh phí. Tuy nhiên, việc “đẻ sinh đôi” là do nhiếp ảnh gia Việt Nam chưa tạo được đẳng cấp, chưa thực sự có phong cách riêng. Và những bức ảnh đó khi công bố, rất khó khẳng định ai là chủ nhân thật sự của ý tưởng”. Còn theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn: “Những bức ảnh giống nhau trên 50% đến 80 - 90 và 99% không thể biện minh là ám ảnh vô thức hay những tư tưởng lớn gặp nhau được. Đó chỉ là sự nghèo nàn, cạn kiệt ý tưởng không hơn không kém. Và người được gọi là nghệ sĩ này tự bôi nhọ mình vì bản chất nghệ thuật là sáng tạo”. Chính vì vậy, không phải vô cớ mà trong nhiều cuộc thi ảnh, Ban giám khảo đặt tiêu chí “original” lên trên sáng tạo – nghĩa là đề cao tính nguyên bản, nguyên gốc và còn có nghĩa là không bắt chước, không lắp ghép sai sự thật. Do vậy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành cho rằng: “Nếu nghệ sĩ có tự trọng, cần phải từ bỏ ý định sáng tác chung ý tưởng, chung bố cục khuôn hình. Theo tôi, nguyên tắc original cần áp dụng chặt chẽ hơn nữa trong các cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam. Bản thân người nghệ sĩ nếu được giải cũng sẽ phải tự xấu hổ vì cảm xúc sáng tác chung đó là giả, tác phẩm nhân bản là không có giá trị”. Chỉ khi nguyên tắc original được chính các tác giả và Ban tổ chức coi trọng thì những cuộc thi ảnh mới lấy được niềm tin nơi công chúng.
Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như. |