Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiệt kế đo thị trường địa ốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đề xuất xây dựng chỉ số phát triển thị trường bất động sản (REMI) đang được các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra với kỳ vọng lần đầu tiên, Việt Nam có công cụ đo độ nóng - lạnh của thị trường bất động sản.

KTĐT - Đề xuất xây dựng chỉ số phát triển thị trường bất động sản (REMI) đang được các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra với kỳ vọng lần đầu tiên, Việt Nam có công cụ đo độ nóng - lạnh của thị trường bất động sản.

Chỉ số REMI, theo ông Đinh Văn Ân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng CIEM, được coi là một trong những giải pháp để minh bạch, rành mạch hoá thị trường bất động sản đang khá rối rắm của Việt Nam.
Chỉ số này được xây dựng trên cơ sở các giao dịch trên sàn giao dịch bất động sản, gồm chỉ số chung cả nước và từng khu vực, được xây dựng trên nguyên tắc tương tự như chỉ số thị trường chứng khoán và sẽ được công bố hàng tháng và cả năm.

"Dựa vào chỉ số này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể nắm bắt được diễn biến của thị trường bất động sản, từ đó có những cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phù hợp để thị trường phát triển", ông Ân phân tích.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu cũng khẳng định, cơ sở để thiết lập và xây dựng chỉ số REMI hiện không đơn giản. Ngay cả Bộ Xây dựng cũng mới đang thử nghiệm thực hiện chỉ số này giới hạn trong một vài phân khúc thị trường như Hà Nội, TP.HCM, khu vực chung cư… để phục vụ công tác quản lý.

"Kết quả của các thử nghiệm này chưa đem lại những đánh giá sát thực tế, do thị trường bất động sản Việt Nam chứa đựng quá nhiều yếu tố bất thường và khó kiểm soát", một chuyên gia Cục quản lý nhà - thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nói.

Vấn đề khó khăn nhất ở đây là thông tin bất động sản. Trong đề tài cấp nhà nước về chính sách phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam do ông Đinh Văn Ân làm Chủ nhiệm, vừa được báo cáo trong tuần, tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam ở mức rất thấp.

Chính điểm yếu này đã chi phối khá nhiều những bất ổn của thị trường, làm trầm trọng hơn những điểm yếu khác như thị trường non yếu, phát triển không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp…

"Hiện nay, khó có thể biết rõ nguồn cung, cách tiếp cận các nguồn cung của thị trường. Thị trường đã không làm được yêu cầu tất yếu là người có tiền, có cầu tiếp cận được nguồn cung một cách rõ ràng, minh bạch", ông Bùi Văn Sĩ, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói và cho rằng, đây chính là một trong những yếu tố tạo nên sự bất ổn, khả năng dễ đầu cơ, khó kiểm soát của thị trường bất động Việt Nam hiện nay.

Điều đáng nói là, hệ thống chính sách phát triển thị trường bất động sản cũng được xây dựng trên cơ sở khá bất ổn này theo hướng "dò đá qua sông". Hệ lụy của cách quản lý này không chỉ là khoảng trống chính sách, mà là những bất cập trong thực tế điều hành thị trường.

Trong khảo sát của các chuyên gia thực hiện đề tài này, có tới 90% đối tượng được khảo sát không có thông tin đầy đủ về thủ tục được giao quyền sử dụng đất, 98% không biết đủ thông tin về thủ tục nhượng quyền sử dụng đất, 75% không rõ ràng về tình trạng đất đai của doanh nghiệp, hộ gia đình mà mình đang sử dụng…

Không những thế, tính thiếu minh bạch, bất ổn của thị trường cũng khiến các chính sách liên quan thường xuyên biến động. Chỉ riêng năm 2007 đến nay, hàng loạt thông báo rà soát lại các nguồn cho vay bất động sản được đưa ra. Và đương nhiên, sau mỗi lần thông báo, nguồn vốn cho thị trường này bị co lại, tạo nên những cơn nóng - lạnh khó kiểm soát.

Ngay cả thông báo mới đây của UBND TP. Hà Nội về việc kiểm tra 34 khu đô thị mới, chung cư mới của Hà Nội cũng đã khiến giá thị trường chao đảo, với sự lên xuống trái chiều của phân khúc chung cư và văn phòng cho thuê… cho dù chưa có kết luận chính thức nào.

Cũng phải nói rằng, liên quan đến thị trường bất động sản, đang có 6 cơ quan quản lý có liên quan, gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Cơ chế về công bố và công khai thông tin nếu không rõ ràng, cũng khó có thể xây dựng được chỉ số REMI như đề xuất.