Kinhtedothi - Đánh giá nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) cho đầu tư phát triển những năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước, song tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 22/3, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đang đặt ra nhiều vấn đề như đầu tư dàn trải, chậm tiến độ...
Dự kiến, đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.
Hơn 14% tổng thu ngân sách dành trả nợ
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2005 – 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết đạt khoảng 45 tỷ USD. Trong đó, 1/3 cho ngân sách T.Ư để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của Nhà nước. Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2%; cho vay lại chỉ chiếm 7,8%. Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước, cho đến nay hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thừa nhận, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ NSNN và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay đặt ra nhiều vấn đề như đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư còn không ít. Tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn cũng còn bất cập. Mức độ tiếp cận nguồn vốn của các địa phương miền núi, khó khăn thường hạn chế hơn các tỉnh, TP lớn.
Ngoài ra, việc duy trì cơ chế mang tính bao cấp từ phía T.Ư trong thời gian dài đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả.
Có thể không còn được vay ODA
Theo ông Long, dự kiến, đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 - 3,5%.
Vì vậy, để tăng cường sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cần giải quyết một số vấn đề, Nhà nước nên tập trung nguồn vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ NSNN và giảm tính bao cấp của Nhà nước trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài. Đối với các địa phương có tiềm lực tài chính khá, và đặc biệt các địa phương có khả năng điều tiết ngân sách về T.Ư thì phải chia sẻ gánh nặng nợ với ngân sách thông qua cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương. Đối với các lĩnh vực, các dự án có khả năng hoàn vốn và có khả năng huy động từ các thành phần kinh tế thì phải chuyển dần sang cơ chế thị trường thông qua cơ chế cho vay chịu rủi ro. Về lâu dài sẽ thực hiện đúng theo cơ chế thị trường.
Nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg, trong đó có nội dung tăng cường cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng thông qua cơ quan cho vay lại đối với nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Theo ông Long, đối với cho vay lại chính quyền địa phương, tỷ lệ cho vay lại được xác định theo điều kiện của nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm bao gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách T.Ư theo mức độ trợ cấp, và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách T.Ư. Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 2 nhóm, gồm nhóm các tỉnh nhận trợ cấp và nhóm các tỉnh có điều tiết về T.Ư. Đối với cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, căn cứ tính chất nguồn vốn và mức độ ưu đãi về điều kiện cho vay lại hiện hành.
Thi công dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
|