Đó là tình trạng thu không đủ chi, trong khi lãng phí vẫn tràn lan, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Các ĐB đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện chính sách tài khóa phù hợp với thực tế, giảm bội chi ngân sách, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia.
Rà soát, cắt giảm chi ngân sách
Chỉ ra tình hình ngân sách đất nước đang trong tình trạng "giật gấu vá vai", ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích 5 nguyên nhân chính, trong đó có 2 nguyên nhân tích cực và 3 nguyên nhân tiêu cực dẫn đến thực trạng này, là: Thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin - cho không rạch ròi; Tình trạng vung tay quá trán trong chi tiêu, trong đó có việc "đẻ" ra quá nhiều "ghế" ở các nơi, bộ máy phình ra khiến không ngân sách nào chịu nổi; Tình trạng thất thoát trong xây dựng cơ bản phổ biến.
Theo một số ĐB, dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2014 của Chính phủ tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm và phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
Thảo luận về phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016, các ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, trong đó, ưu tiên cho các dự án bệnh viện, thủy lợi quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế của cả vùng và địa phương.
ĐB Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên - Huế) đề nghị Chính phủ làm rõ khi phát hành trái phiếu, thì bao nhiêu % trong số đó là vào nền kinh tế thật, bao nhiêu là ảo và kế hoạch trả nợ của số trái phiếu này để "không làm tăng gánh nặng nợ công cho con cháu chúng ta".
Các ĐB cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện chính sách tài khóa phù hợp hơn, giảm bội chi ngân sách, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia và cho rằng vẫn còn dư địa để tăng thu ngân sách.
Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành
Thảo luận tại tổ về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua. Đến ngày 15/10, có 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành mới ban hành được 49% văn bản hướng dẫn thi hành. Các ĐB đánh giá là quá chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước.
ĐB Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện có nhiều quy định pháp luật khó đi vào cuộc sống, hiệu lực thấp là do nội dung không rõ ràng, cụ thể, còn những khe hở… Các ĐB Nguyễn Đình Quyền, Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) kiến nghị phải đánh giá đầy đủ để thấy được những khiếm khuyết trong thực thi pháp luật và báo cáo của Chính phủ phải nêu tên cụ thể những bộ, ngành còn "nợ" văn bản.
Để xử lý được tình trạng nợ đọng văn bản, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chính phủ phải làm khẩn trương, ráo riết, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, trưởng cơ quan soạn thảo, trách nhiệm thi hành công chức, công vụ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: Phương Lâm
|
16 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được lồng ghép vào 2 chương trình trọng điểm Đánh giá kết quả 3 năm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (2011 - 2013), các ĐB cho rằng chưa phát huy hiệu quả. Đồng tình với các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nêu rõ: "Nếu cắt ngay 16 chương trình thì không được vì Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, đã bố trí vốn rồi. Tuy nhiên, 2014 sẽ giảm tổng mức bố trí. Mặt khác, không cho khởi công dự án mới mà chỉ bố trí tiếp tục các dự án đang làm". |