Những yếu tố đó là tiền đề để thúc đẩy phát triển xuất bản điện tử ở nước ta. Tuy nhiên, tại hội thảo “Xuất bản và phát hành sách điện tử” diễn ra sáng 15/12 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Nguyên cho rằng: Hiện nay quy mô, quy trình và trình độ xuất bản điện tử còn nhỏ bé, vai trò của các nhà xuất bản (NXB) chưa rõ, thị trường vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty chuyên về công nghệ thông tin. Ông Nguyên cũng nhấn mạnh, tình hình vi phạm bản quyền trong lĩnh vực kinh doanh sách điện tử diễn ra phức tạp, làm nản lòng các DN muốn phát triển xuất bản điện tử.
Đại diện Cục An ninh văn hóa, Thông tin truyền thông – Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết: Thời gian qua, Cục đã phát hiện 10 NXB “ảo” được thành lập, phát hành các cuốn sách điện tử bằng tiếng Việt, trong đó có NXB Giấy vụn, NXB Cửa, NXB Tùy tiện… Việc thành lập các NXB này vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về xuất bản. Ông Nguyễn Hải - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: Sách điện tử là trào lưu của văn hóa đọc hiện đại với nhiều tính năng, tiện ích nhưng đa số người đọc vẫn cho rằng khó thay thế sách giấy. Độc giả của sách điện tử chủ yếu vẫn là giới trẻ, nhân viên văn phòng… Tuy nhiên, thói quen sử dụng sách điện tử miễn phí của đại đa số người dùng còn cao, gây không ít khó khăn cho khâu phát hành. Bên cạnh đó, việc bảo vệ bản quyền sách điện tử chưa chặt chẽ, dẫn đến vi phạm bản quyền rất phổ biến, các cơ quan quản lý Nhà nước không thể kiểm soát nguồn sách lậu. Đi đôi với đọc sách điện tử là các phần mềm ứng dụng, nhưng mỗi đơn vị phát hành sách lại sử dụng một ứng dụng đọc sách riêng, khiến độc giả phải “chạy theo” các cài đặt ứng dụng.
Trước những khó khăn trong việc xuất bản và phát hành sách điện tử hiện nay, đại diện các NXB cho rằng: Cần tăng cường các biện pháp quản lý, chống vi phạm bản quyền, tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử phạt đối với vi phạm bản quyền trong xuất bản sách điện tử, đặc biệt là đối với các trang mạng có nhiều ấn phẩm lậu. Với sách điện tử cần phải nộp lưu chiểu điện tử, tránh thất thoát nội dung ra bên ngoài. Đúng như các chuyên gia khẳng định, phát hành sách điện tử không đơn thuần là một xu thế, mà là triển vọng và tương lai của ngành xuất bản. Vì thế, cần xây dựng một hành lang pháp lý cơ bản để xuất bản và phát hành sách điện tử phát triển lành mạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Interner
|