Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bất cập cần sửa đổi trong chính sách phát triển giáo dục

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện những chính sách phát triển GD&ĐT sau 3 năm thi hành Luật Thủ đô” do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 28/7, nhiều đại biểu đề xuất điều chỉnh quy định về cơ chế tài chính cho trường mô hình chất lượng cao (CLC), sửa đổi những bất cập trong văn bản để có thể triển khai ở các trường.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, một trong những đột phá sau 3 năm thực hiện điều 12 Luật Thủ đô, đặc biệt là thực hiện các văn bản do TP ban hành để cụ thể hóa Luật Thủ đô, là công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tính từ năm 2013 đến nay, bậc mầm non đã có 301 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (38,4%), bậc tiểu học có 436 trường (61%), bậc trung học vượt tỷ lệ TP giao. Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định, ngành giáo dục thực hiện Luật Thủ đô với nhiều thuận lợi, đã thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật Thủ đô theo lộ trình và thí điểm của TP. Trong đó, đã xây dựng và đưa ra 5 tiêu chí đối với trường CLC. Tính đến năm 2016, có 11 trường được TP công nhận trường CLC (2 mầm non, 5 tiểu học, 1 THCS, 3 THPT) và 14 trường đang thí điểm xây dựng theo các tiêu chí CLC...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Dẫu vậy, Hà Nội vẫn gặp khó trong việc xây dựng trường CLC. Như bà Trịnh Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, trước đây quy định cơ chế tài chính đối với cơ sở đang thực hiện thí điểm CLC năm học 2013 – 2014, nếu chưa được công nhận thì tiếp tục được hỗ trợ kinh phí đến năm học 2014 – 2015. Nhưng năm học 2015 – 2016, quyết định hết hiệu lực nên các trường thí điểm CLC không được cấp bù kinh phí. Vì vậy “Rất cần TP có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về cơ chế tài chính cho trường mô hình CLC phù hợp thực tiễn” – bà Dung kiến nghị. Thêm vào đó, bà Hoàng Thị Yến – Hiệu trưởng trường THCS Nam Từ Liêm chia sẻ, năm học 2015 – 2016 có 44 giáo viên/28 lớp, tỷ lệ 1,6 giáo viên/lớp. Nếu tính theo quy định 1,9 giáo viên/lớp thì trường thiếu 9 giáo viên. Về cơ chế tài chính, với mức thu 1,6 triệu đồng/tháng/HS (lớp 6, 7), 1,9 triệu đồng/tháng/HS (lớp 8, 9), trong khi trường phải chi rất nhiều khoản: trả lương, an ninh, vệ sinh, điện nước... nên tài chính của trường gặp nhiều khó khăn. “Để có thêm thu nhập, thời gian tới cho phép nhà trường được tăng lớp, tăng học sinh. Ngoài ra, cho phép các trường CLC được tuyển sinh lớp 6 sớm hơn các trường công lập khác nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng đầu vào” – bà Yến kiến nghị.

Trước những đề xuất trên, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, trường CLC là mô hình mới nên công tác chỉ đạo, quản lý cũng gặp không ít khó khăn. Tới đây, Sở tiếp tục rà soát những bất cập và kiến nghị TP có cơ chế đặc thù về quỹ đất, cơ sở vật chất, tài chính chặt chẽ nhưng thống thoáng, đảm bảo thực hiện tốt việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.