Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bất cập trong quản lý di tích Đền Sọ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đền Sọ (hay còn gọi là Đền Tam Tổng), tọa lạc tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội được trao bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997.

Đền Sọ (hay còn gọi là Đền Tam Tổng), tọa lạc tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội được trao bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Tuy nhiên, ngôi đền nằm trong quần thể Đền Sóc, có hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong khi công tác quản lý Đền đang nảy sinh nhiều bất cập.

Lộn xộn, nhếch nhác

Ghé thăm khu di tích Đền Sọ vào một ngày cuối tuần, điều chúng tôi cảm nhận thấy không phải là không khí trang nghiêm, tĩnh mịch của một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, mà thay vào đó là sự ồn ào, xô bồ của một khu chợ bày bán đủ các loại hàng hóa, từ đồ thờ cúng, quần áo, giày dép tới thức ăn nhanh... Không chỉ trong khuôn viên, dọc lối đi và thậm chí là cả phần sân trước khu Đền cũng được tận dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán.  Ông Ngô Quang Hiển - Trưởng ban Quản lý khu di tích Đền Sọ cho biết, năm 1992, thời điểm Đền mới được xây dựng lại, chỉ có dăm bảy hàng quán bán hoa quả, đồ thờ cúng… Tuy nhiên, năm 2004, chợ Phù Lỗ không may bị cháy, hơn 100 hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ phải di tản và được UBND xã Phù Lỗ chấp thuận cho cắm cọc, bán hàng tạm thời trong khuôn viên Đền trong khi chờ tu sửa chợ cũ. Dù vậy, sau khi chợ mới xây xong, các ki - ốt lại được rao bán cho các tiểu thương. Nhiều hộ trước ở trong chợ nhưng không có điều kiện về kinh tế để mua vị trí trong chợ mới nên tiếp tục ngồi bán hàng trong khuôn viên Đền.  

 
Hàng quán bày bán tràn lan phía trước Đền Sọ. 	Ảnh: Nguyễn Tùng
Hàng quán bày bán tràn lan phía trước Đền Sọ. Ảnh: Nguyễn Tùng
 
Việc các tiểu thương mở hàng quán trong khuôn viên Đền, căng phông bạt, dựng lều lán khiến khu di tích thường xuyên rơi vào cảnh tối tăm và rất mất mỹ quan. Dù trời không mưa, nhưng lối đi dọc khuôn viên khu di tích luôn trong tình trạng ẩm ướt. Việc kinh doanh tự phát, thiếu quản lý khiến không gian khu di tích rất lộn xộn. "Khách thập phương ghé thăm Đền thậm chí còn không biết phải dừng đỗ xe ở đâu…" - ông Đỗ Quốc Lập - thành viên Ban Quản lý khu di tích Đền Sọ bức xúc. 

Bên cạnh tình trạng lộn xộn, nhếch nhác trong khu vực khuôn viên, nhiều hạng mục của ngôi Đền hiện cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây nhất, mái ngói khu Nhà Giếng - nơi Đức Thánh Gióng từng gội đầu đã bị đổ sập. Gọi là Giếng, nhưng nhiều năm qua, chiếc Giếng này lại cạn trơ đáy (!). Trong khi đó, cộ, xà của Đền chính nhiều đoạn bị gãy, dập, mối mọt… Tường nhà nhiều phần bị nứt vỡ thành từng đoạn dài hàng chục cen-ti-mét. Phần mái Đền nhiều năm qua cũng không được đảo, lợp mới nên hễ trời mưa là nhiều chỗ lại bị thấm dột, ẩm ướt...

Loay hoay công tác quản lý   

Là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hàng năm, cứ đến ngày 16/2 (Âm lịch), rất đông người dân khắp nơi lại đổ về vui hội Đền Sọ. Các lễ nghi, lễ hội vẫn được duy trì theo phong tục truyền thống và được bổ sung các trò chơi vui khỏe như cầu lông, múa lân, cờ tướng, kéo co... Trải qua nhiều thăng trầm, Đền Sọ vẫn giữ được sự uy nghiêm, tôn kính. Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn, nhếch nhác hiện nay của khu Đền đang khiến không ít người trăn trở. 

Ông Ngô Quang Hiển - Trưởng ban Quản lý khu di tích Đền Sọ bộc bạch, qua năm tháng, hiện nhiều hạng mục của ngôi Đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, kể từ khi được xây dựng lại vào năm 1992 đến nay, Đền chưa một lần được cấp kinh phí sửa chữa, tu bổ. Hiện, UBND xã Phù Lỗ vẫn cho Ban Quản lý khu di tích Đền Sọ cho thuê 10 lều (thuộc cơ sở hạ tầng của khu Đền) và thu phí hiện tại là 60.000 đồng/lều/tháng để lấy tiền chi trả các khoản chi phí hoạt động của nhà Đền như hương khói, tu sửa nhỏ lẻ, tổ chức lễ hội… Do không có nguồn kinh phí nên mái Nhà Giếng bị sụp mới đây đã được tu sửa nhưng theo cách: lợp tạm bằng những tấm bờ - lô xi măng! Nói về sự lộn xộn trong khuôn viên Đền, ông Ngô Quang Hiển thở dài, Ban Quản lý khu di tích vẫn biết để Đền như vậy là nhếch nhác nhưng "lực bất tòng tâm", vì không thể yêu cầu các hộ kinh doanh chuyển đi. 

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Như Ý - Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ cho biết, việc giải tỏa các hộ kinh doanh trong khuôn viên Đền rất khó khăn, một mặt do các hộ đã buôn bán từ lâu, mặt khác cũng không biết chuyển các hộ đi đâu. Đầu năm 2014, UBND xã đã lập đề án gửi UBND huyện trình TP cấp kinh phí để cải tạo, nâng cấp chợ Phù Lỗ thành chợ hai tầng, với mục đích là khi xây dựng xong sẽ chuyển các hộ kinh doanh ở khu vực khuôn viên Đền vào trong chợ. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách nên hiện đề án vẫn chưa được cấp kinh phí. Ông Ý cho biết thêm, xã đang yêu cầu các hộ dân kinh doanh dọc lối đi phải thay thế phông bạt cũ, rách đảm bảo mỹ quan, đồng thời, vận động người dân đóng góp, ủng hộ để đổ xi măng toàn bộ khu vực sân Đền nhằm hạn chế tình trạng ẩm ướt, nhếch nhác tại khu di tích.

Có thể thấy, bên cạnh việc nhiều di tích trên địa bàn TP hiện đang xuống cấp thì công tác quản lý các di sản dành cho thế hệ mai sau này cũng đang gióng lên hồi chuông báo động. Nếu các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc, quyết liệt bảo vệ các di tích bằng những chính sách, việc làm cụ thể thì việc di tích bị biến dạng, thậm chí là biến mất hoàn toàn sẽ là câu chuyện của ngày một ngày hai.

 
Đền Sọ được xây dựng vào năm 1474, niên hiệu Hồng Đức thứ 14. Năm 1949, ngôi Đền bị giặc Pháp tàn phá, chỉ còn lại phần nền móng. Đến năm 1992, Đền được chính quyền xã và Nhân dân tam tổng là Phù Lỗ, Phù Xá, Xuân Nộn xây dựng lại. Bên trong Đền là hậu cung có tạc tượng Đức Thánh Gióng, bên ngoài Đền là 3 gian, 2 dĩ có trang bị hoành phi câu đối, ngoài hè có 2 ông vệ sĩ. Đặc biệt, phía Nam Đền có Nhà Giếng - là nơi Thánh Gióng gội đầu. Đền Sọ ngày xưa có diện tích 3.750m2, nay diện tích chỉ còn 1.712m2.