Kinhtedothi - Sáng 22/10, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan bàn về các giải pháp chống UTGT trên địa bàn TP. Tại cuộc họp, nhiều biện pháp cấp bách đã được đưa ra và thống nhất thực hiện đồng bộ trong thời gian tới.
Hầu hết dự án chậm tiến độ
Theo báo cáo của Phòng CSGT, Công an TP, Hà Nội hiện có 11 công trình lớn thi công kéo dài với 27 điểm rào chắn thu hẹp mặt đường, tạo ra các nút thắt, gây cản trở, UTGT. Đặc biệt, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT còn cho biết, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ dẫn đến tình trạng rào chắn kéo dài khiến cho 23/27 điểm thường xuyên rơi vào cảnh UTGT. Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý (BQL) Dự án Đường sắt (Bộ GTVT) Lê Văn Dương cho rằng, nhiều đoạn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đã tháo bỏ rào chắn, những công trình nhà ga thì buộc phải quây lại để thi công, hiện tại chưa có biện pháp nào tốt hơn.
Một đoạn đường của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
|
Còn theo ông Lê Huy Hoàng - Phó BQL Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, tình trạng rào chắn kéo dài là cần thiết. Hiện, đơn vị thi công tuyến này đã đưa vào công trường 7 giàn khoan lớn, 40 đầu thiết bị để đẩy nhanh tiến độ, tháng 12 tới sẽ tháo gỡ được 400m rào, dự kiến năm 2016 sẽ hoàn tất thi công. Đáp lại ý kiến này, ông Thắng tỏ ra khá bức xúc cho rằng: “Lần nào họp, các BQL dự án cũng dẫn giải các vấn đề kỹ thuật để biện minh cho việc thi công chậm trễ. Còn CSGT chúng tôi thì phải lấy sức người để giải quyết ùn tắc, đề nghị các đơn vị thi công phải có trách nhiệm với xã hội, với những khó khăn do mình gây ra”.
Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP cho biết, 4 nhiệm kỳ Giám đốc vừa qua, đây là lần đầu tiên Giám đốc Công an TP phải ra một mệnh lệnh, đó là Mệnh lệnh 01 về việc tăng cường lực lượng vào các giờ cao điểm để đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị. Công an TP đã phải tăng cường cả lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động xuống đường điều tiết giao thông. Tuy nhiên, chỉ sức người không là không đủ, cần có các biện pháp linh hoạt hơn nữa để chống UTGT. Đồng quan điểm với ông Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cũng kiến nghị Sở GTVT xem xét, yêu cầu các BQL dự án thay thế rào cứng như hiện nay bằng hàng rào di động, ban đêm mở ra phục vụ thi công, ngày lại thu gọn vào trả lại mặt đường cho lưu thông. Đặc biệt ông Trần Đăng Hải còn cho biết, dù đã lập biên bản xử phạt hàng chục triệu đồng nhưng nhiều công trình vẫn vi phạm quy định về diện tích rào chắn, cần mạnh tay cưỡng chế, buộc dừng thi công cho đến khi đáp ứng đúng yêu cầu.
Thêm cầu vượt, bớt rào chắn
Hội nghị đã thống nhất đưa ra nhóm 5 giải pháp chính để hạn chế UTGT trong thời gian tới. Việc đầu tiên cần làm thúc giục các dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, xong đến đâu cuốn rào, trả lòng đường đến đấy. Đại tá Đào Vịnh Thắng đề nghị: “Các đơn vị chưa làm hoặc làm xong dù chỉ vài mét cũng phải cuốn rào ngay, tránh tình trạng không làm, chưa làm cũng rào lại trong khi người dân không có đường đi”. Song song với đó, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị sử dụng tối đa rào chắn di động, đồng thời phải tự tổ chức lực lượng cảnh báo, phân làn hỗ trợ CSGT điều tiết giao thông tại khu vực thi công. “Các đơn vị thi công phải có trách nhiệm rõ ràng, người dân vất vả thì mình phải cố hết sức để hỗ trợ” - Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện nói. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Vũ Đỗ Anh Dũng đã đồng tình với các phân tích và đề xuất của CSGT, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội. Ông Dũng yêu cầu các đơn vị thi công phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Sở, đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nặng.
Bên cạnh đó, theo kiến nghị của CSGT, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị xem xét điều chỉnh tần suất, lộ trình các tuyến buýt đi qua đường Xuân Thủy, Nguyễn Trãi… vào giờ cao điểm; cùng với xe buýt, xe taxi cũng sẽ bị hạn chế lưu thông để giảm tải cho một số tuyến đường phố trọng điểm. Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT còn đặc biệt lưu ý lực lượng Thanh tra GTVT phải rà soát, xử lý các xe taxi không phép của Uber, Grab taxi hiện đang tự do ra vào phố cấm, gây mất trật tự, ATGT. Ngoài ra, Sở GTVT đề nghị CSGT xử lý nghiêm các xe 2, 3 bánh chở quá khổ, quá tải, xe giả danh thương binh gây náo loạn đường phố thời gian qua. Về vấn đề này, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, đã bắt giữ xử lý hơn 100 trường hợp xe 3 bánh giả danh thương binh, tới đây sẽ tiếp tục làm nghiêm, không để loại phương tiện này gây mất trật tự, ATGT. Ông Thắng cũng đề nghị Sở GTVT rà soát lại để bổ sung, tăng cường hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông, huy động các lực lượng Thanh tra GTVT, thanh niên tình nguyện hỗ trợ CSGT điều tiết giao thông trong giờ cao điểm. Phó Tổng Giám đốc BQL Dự án đường sắt Lê Văn Dương cũng xin đưa lực lượng Đoàn Thanh niên Bộ GTVT đến các công trình phối hợp đảm bảo giao thông cho đến khi thi công hoàn tất. Cùng với đó, Sở GTVT cũng sẽ nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức lại giao thông, phân luồng hợp lý tại các nút giao, tuyến đường trọng điểm để hạn chế UTGT. Các đơn vị tham dự Hội nghị còn thống nhất đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Với những biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ như trên, hy vọng thời gian tới, tình trạng UTGT trên địa bàn Hà Nội sẽ được hạn chế tối đa, đảm bảo trật tự, ATGT lâu dài, ổn định.