KTĐT - Bộ Công thương nhận định: Trong những tháng cuối năm tình hình kinh tế thế giới đã có chuyển biến tích cực, một số nền kinh tế lớn đã tuyên bố thoát khỏi suy thoái.
Năm 2009, nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước đạt 4,75 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch XK trong 10 tháng qua đạt 46,3 tỉ USD, bằng 78,5% kế hoạch năm và đã giảm 13,8% so với cùng kỳ (tương đương giảm 7,43 tỷ USD). Trong khi đó, nhập khẩu (NK) lại có tốc độ tăng khá cao, tháng 10, kim ngạch NK đạt 6,65 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng 9. Tính tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng qua ước đạt 55,12 tỷ USD. Như vậy, trong 10 tháng qua, nước ta đã nhập siêu một lượng hàng hóa trị giá 8,78 tỉ USD, bằng 19% tổng kim ngạch XK.
Tại cuộc Hội nghị giao ban đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 10 tháng năm 2009, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết: Những tháng qua, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK chỉ khoảng 3%/tháng. Trong khi đó, kim ngạch NK vẫn giữ tốc độ tăng cao, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 68 - 69 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu sẽ vào khoảng từ 11,5 - 12,5 tỷ USD, bằng 20 - 22% kim ngạch XK. Nếu không có biện pháp kịp thời, nhiều khả năng nhập siêu năm nay sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương là 20%.
Kim ngạch NK có chiều hướng tăng, trong khi XK gặp nhiều khó khăn do lượng xuất khẩu trong các đơn hàng không còn nhiều, nhất là nhóm hàng nông sản, dầu thô. Với tình hình này, nếu huy động mọi nguồn lực cho XK thì kim ngạch XK bình quân cho 2 tháng cuối năm 2009 chỉ đạt trên 5 tỷ USD/tháng và dự kiến cả năm XK đạt khoảng 56,5 tỷ USD, giảm khoảng 9,9% so với năm 2008.
Ba biện pháp hạn chế nhập khẩu
Bộ Công thương nhận định: Trong những tháng cuối năm tình hình kinh tế thế giới đã có chuyển biến tích cực, một số nền kinh tế lớn đã tuyên bố thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn trong trình trạng suy giảm, vì thế việc tăng kim ngạch XK là không dễ dàng, trong khi vẫn phải hạn chế nhập siêu theo đúng chỉ tiêu 20% mà Quốc hội đề ra.
Nhằm góp phần hạn chế nhập siêu, đại diện Petrolimex kiến nghị: Để đơn vị có thể chủ động hơn trong việc lập kế hoạch NK và tiêu thụ xăng dầu, Bộ Công thương cần cho phép doanh nghiệp được mua thẳng sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà không phải thông qua Tổng Công ty Dầu Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công thương- Bùi Xuân Khu đã đồng ý với kiến nghị này và yêu cầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam xây dựng quy chế tiêu thụ xăng dầu cho Petrolimex theo hướng Petrolimex và 11 đầu mối tiêu thụ xăng dầu cần hợp tác và cân đối cung cầu để tiêu thụ hết khoảng 800 nghìn tấn sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ rà soát lại những mặt hàng cần kiểm soát nhập siêu, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng xa xỉ có nhiều biến động trên thị trường như ô tô, phân bón, sắt thép, mỹ phẩm, dược phẩm… Để thực hiện được mục tiêu này, các vụ, cục thuộc bộ phải chủ động, tích cực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, trong việc kiểm tra, rà soát chặt chẽ các mặt hàng NK và đẩy mạnh XK để giảm bớt sự chênh lệch trong cán cân thương mại trong XNK hiện nay. Các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động xử lý những phát sinh nhằm đảm bảo tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định như xăng dầu, phân bón, sắt thép, gạo, dược phẩm…
Bộ Công thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc điều hành xuất khẩu. Trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung rà soát, đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư để nhanh chóng đưa các dự án đầu tư xây dựng vào sản xuất, đặc biệt là những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2009, như thế sẽ tăng hàng hóa cho thị trường, nâng cao giá trị tiêu thụ nội địa và tăng lượng hàng cho xuất khẩu. Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết: Chính phủ đang triển khai các gói kích cầu thứ 2 sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: Để tăng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi về thuế trong các khung mậu dịch tự do mà chúng ta và các nước đã ký và đang thực hiện.