Quy định chưa nhất quán
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong kiểm soát ATTP lĩnh vực nông nghiệp, nhưng công tác này vẫn còn vô vàn khó khăn, thách thức. Theo ông Trần Mạnh Giang – Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội, thiếu nhân lực chuyên trách về ATTP nông lâm thủy sản nên hiệu quả công việc chưa như mong đợi. Đặc biệt, nhiều văn bản còn bất cập, không thống nhất gây khó khăn trong quản lý. Đơn cử, hiện chưa có quy định về xác định nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản nên gây khó khăn trong thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật vẫn phải cấp 2 giấy chứng nhận (đủ điều kiện vệ sinh thú y và đủ điều kiện ATTP) trong khi tiêu chí đánh giá tương đối giống nhau gây khó cho cả đơn vị quản lý và DN.
Cũng theo ông Trần Mạnh Giang, dù đã tăng cường tuyên truyền, xử phạt nhưng tỷ lệ cơ sở chưa đủ điều kiện ATTP còn cao, việc cải thiện ATTP còn chậm, thiếu tính bền vững. “Các sự cố về ATTP chưa kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, gây hoang mang cho người dân và làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản” - ông Giang chia sẻ.
Đề cập đến công tác này, bà Nguyễn Thị Thùy Vân, đại diện Sở Công Thương cho rằng, Khoản 5, Điều 19 quy định, đảm bảo nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan. Tuy nhiên, Điều 20, 21, 22 quy định trách nhiệm quản lý của từng Bộ lại phân định theo nhóm sản phẩm. Trong đó giao Bộ NN&PTNT, Y tế, Công Thương quản lý điều kiện sản xuất (thông qua việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP), còn quản lý chất lượng (thông qua việc cấp giấy xác nhận công bố hợp quy) lại giao toàn bộ cho ngành y tế. “Như vậy, ngay tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã có sự mâu thuẫn trong nguyên tắc quản lý ATTP. Điều này gây khó cho công tác quản lý, phân rõ trách nhiệm giữa các cơ quan và còn gây khó cho các cơ sở khi thực hiện qui định ATTP. Một cơ sở hàng năm phải chịu sự hậu kiểm của ít nhất 2 cơ quan với nhiều nội dung trùng lắp trong công tác ATTP” - bà Vân nhấn mạnh. Bên cạnh đó, bà Vân cho biết thêm, hiện một số sản phẩm vẫn chưa phân định vào nhóm ngành nào như que kem, bột chè, bột cafe, gói chống ẩm… nên khó bề quản lý.
Về vấn đề xử lý vi phạm, đại diện Sở Công Thương cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trong lĩnh vực ATTP ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, thậm chí một số đối tượng có hành vi chống trả quyết liệt khi bị xử lý vi phạm.
Những khó khăn tương tự trong quản lý ATTP cũng được đại diện Sở Y tế nêu lên. Bên cạnh đó Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, NN&PTNT hướng dẫn một số nội dung liên quan tới phân cấp quản lý đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh thực phẩm và những cơ sở sản xuất hỗn hợp có 3 ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của 3 Bộ.
Tăng cường thanh tra, xử nghiêm vi phạm
Ông Trần Thế Cương - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP tiếp thu kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ATTP của các ngành và cho biết, sẽ báo cáo thường trực HĐND để có hướng tháo gỡ. Ông Cương cũng đề nghị 3 Sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm, đặc biệt sau khi cấp giấy chứng nhận ATTP phải tiến hành hậu kiểm.
Trước đó, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND đã trực tiếp kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại huyện Quốc Oai, Hoài Đức và làm việc với hai huyện này về lĩnh vực ATTP.