Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế đã và đang đạt được nhiều bước tiến mới cùng những hoạt động tích cực, hiệu quả cho đôi bên. Hiện, Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam thu hút nhiều DN Nhật Bản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (SME) đầu tư. Mặt khác, xu hướng DN Việt Nam đầu tư vào thị trường Nhật Bản, mở chi nhánh, công ty con và văn phòng đại diện tại Nhật Bản cũng tăng cao.
Hội thảo Xúc tiến đầu tư, mở rộng kinh doanh với thị trường Nhật Bản. |
Theo Cục trưởng FIA Đỗ Nhất Hoàng: Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao đối với các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh của DN Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Nhật Bản được coi là những nhà đầu tư nghiêm túc, triển khai dự án đúng kế hoạch. Trong xu thế hiện nay, Việt Nam đã, đang có những lợi thế đa phương và song phương.
Chia sẻ về những đặc trưng cơ bản và sức hấp dẫn của thị trường Nhật Bản đối với DN thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Phó Chủ tịch Jetro Tokyo Shigeki Maeda cho rằng, du lịch Nhật Bản ngày càng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, đồng thời tạo được sự thu hút đối với du khách Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2015 lượng khách Việt Nam sang Nhật Bản tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2014, bên cạnh đó, lượng khách Nhật Bản tới Việt Nam cũng đạt 670.000 người. Lượng du học sinh Việt tại Nhật Bản cũng tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm trở lại đây, cao hơn so với du học sinh Trung Quốc… Thị trường tiêu dùng Nhật Bản có tiếng “khó tính”, nên theo ông Shigeki, nếu các DN Việt Nam có thể thuyết phục được thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, thì sẽ tạo đà cho DN trong việc đầu tư ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhật Bản đang phát triển nhanh về ngành du lịch, lượng khách quốc tế gia tăng, dự kiến năm 2020 du lich Nhật Bản sẽ đón 40 triệu khách quốc tế, từ đó kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ như khách sạn, ăn uống; lĩnh vực IT, giao dịch thương mại điện tử… Đây là cơ hội thuận lợi cho các DN Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh những thuận lợi về thời điểm, chính sách mở của chính phủ Nhật Bản, DN Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) Nguyễn Đoàn Hùng cho biết: Việc đầu tư của các DN Việt Nam vào thị trường Nhật Bản gặp những trở ngại như chi phí cao, quan hệ với các DN lớn của nước bạn còn hạn chế… Theo nhiều đại biểu, một trong những thách thức của DN Việt Nam khi muốn đầu tư vào thị trường Nhật Bản là khoảng cách về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm của thị trường Việt Nam và Nhật Bản khác nhau. Bên cạnh đó, chi phí xúc tiến thương mại khá cao, trung bình mỗi DN Việt Nam phải cần từ 1 - 2 năm để thuyết phục để thu hút đầu tư vào Nhật, hạn chế về mặt thông tin đặc biệt với DN vừa và nhỏ, cạnh tranh kinh doanh. Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, năng lực tốt, tuy nhiên theo nhận định của nhiều DN Nhật Bản, nhân sự của ta còn làm việc chưa chuyên nghiệp, thiếu ý thức tuân thủ giờ làm, “ngại” giao tiếp và không chủ động làm rõ yêu cầu… “Đây là những mặt hạn chế mà DN Việt Nam cần khắc phục, nếu muốn đầu tư vào thị trường Nhật Bản”, Giám đốc Công ty công nghệ thông tin Tinh Vân Outsourcing Nguyễn Ích Vinh nói.