Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều cơ hội vay vốn cho hộ mới thoát nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/1, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội đã tổ chức họp Ban đại diện...

Kinhtedothi - Ngày 14/1, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội đã tổ chức họp Ban đại diện HĐQT ngân hàng quý IV/2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Đại diện NHCSXH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự và chỉ đạo cuộc họp      

Nợ quá hạn thấp

Báo cáo của NHCSXH TP Hà Nội cho biết, đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại Chi nhánh đạt 4.736 tỷ đồng, tăng 418 tỷ đồng (9,7%) so với năm 2013. Doanh số cho vay năm 2014 là 2.175 tỷ đồng với 123.000 lượt khách hàng được vay vốn.

Tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2014 đạt 4.721 tỷ đồng với trên 290.000 khách hàng đang vay vốn. Tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình như cho vay hộ cận nghèo 604 tỷ đồng, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường là 201 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 115 tỷ đồng...
Người dân làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Việt Linh
Người dân làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Việt Linh
“Điểm sáng” nhất trong hoạt động kinh doanh năm 2014 của NHCSXH TP Hà Nội là chất lượng tín dụng.
Năm 2014, NHCSXH TP Hà Nội được NHCSXH Việt Nam đánh giá là đơn vị hoạt động xuất sắc nhất khu vực đồng bằng Sông Hồng. Với kết quả này, NHCSXH TP Hà Nội đã được Thống đốc NHNN Việt Nam tặng cờ Thi đua.
Năm 2014, Chi nhánh đã tập trung phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể các cấp chỉ đạo thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch lưu động cấp xã, phân tích rõ nguyên nhân nợ quá hạn để có các giải pháp xử lý triệt để, triển khai hoàn thiện hồ sơ xử lý rủi ro. Nợ quá hạn năm 2014 của Chi nhánh ở mức rất thấp, chiếm 0,16% tổng dư nợ, giảm 4,9 tỷ đồng so với năm 2013.

Theo Phó Giám đốc NHCSXH Việt Nam Võ Minh Hiệp, Hà Nội đứng trong nhóm 3 tỉnh, TP có dư nợ cao nhất cả nước. Nợ quá hạn của NHCSXH Hà Nội thấp hơn mức bình quân trên toàn hệ thống NHCSXH. Năm 2015, NHCSXH TP Hà Nội phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn khoảng 9%, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 8,5% so với năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,15%.

Nâng cao chất lượng vốn, chính sách

Tại cuộc họp, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của NHCSXH TP trong thực hiện chính sách tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Các thành viên cũng nêu lên thực tế là, hiện nay, số lượng hộ nghèo, cận nghèo đang giảm đi. Trong khoảng 35.000 hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội năm 2014, chỉ có 1.000 đối tượng nghèo có khả năng sử dụng nguồn vốn để phát triển sản suất. Còn lại là người già, neo đơn, những đối tượng không còn khả năng lao động. Vì vậy, làm sao để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách là bài toán cần bàn đến. “Số lượng người nghèo giảm, chúng ta có thể cân nhắc mức cho vay tăng lên. Bên cạnh đó, đối tượng hộ mới thoát nghèo cũng rất cần được quan tâm để không tái nghèo, thoát nghèo bền vững” - đại diện Sở Tài chính Hà Nội đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội thừa nhận, hiện nhu cầu vay vốn của nông dân vẫn rất cao. Hội Nông dân kiến nghị nâng mức cho vay, giảm lãi suất và quan tâm vốn vay cho những đối tượng mới thoát nghèo.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã luôn chuyển động cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách. Hà Nội sẵn sàng đáp ứng vốn để cho vay các đối tượng này. Tuy nhiên, vấn đề là phải nghiên cứu các biện pháp làm thế nào để đồng vốn phát huy hiệu quả, dứt khoát không để thất thoát vốn. Phó Chủ tịch cũng nêu ra 4 vấn đề mà Ban đại diện cần quan tâm giải quyết. Đó là các sở, ban, ngành cần nghiên cứu, phân tích xem, trong số các hộ nghèo còn bao nhiêu hộ không có khả năng thoát nghèo để cân nhắc nâng mức cho vay các hộ nghèo có khả năng lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, hai đối tượng hộ cận nghèo và hộ vừa thoát nghèo cũng rất cần được quan tâm. TP Hà Nội đã đồng ý về mặt chủ trương việc cho vay các đối tượng thoát nghèo. “Chúng ta cần nhìn họ bằng con mắt thân thiện, giúp đỡ, tạo điều kiện để các hộ tái nghèo có thể phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững thay vì cắt nguồn của người ta” – Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng cho vay, tìm cách để nâng bình quân các món vay lên, phù hợp với yêu cầu cuộc sống.