Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, 15 cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ em chưa hoàn thành trách nhiệm của mình.
|
Cháu K. bên vòng tay người thân. |
Bên lề hội thảo “Giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống” do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 12/12, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp & Nghề công tác xã hội Nguyễn Hải Hữu khẳng định, chúng ta có cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý trẻ em và mỗi đơn vị đều có vai trò, trách nhiệm riêng. Thế nhưng, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn xảy ra do nhận thức của xã hội, cộng đồng đa phần chưa đầy đủ. Một vấn đề nữa được ông Hữu chỉ ra, đó là luật quy định hệ thống bảo vệ trẻ em, nhưng không nói rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ các em. Trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa quy định cụ thể, khi bạo hành trẻ em xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm? Khung luật pháp còn thiếu những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người cung cấp thông tin dẫn đến có vụ trẻ em bị bạo hành trong thời gian dài mới được phát hiện. “Chúng ta cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em. Quan trọng là hệ thống bảo vệ nhiều, nhưng phải rõ chức năng, nhiệm vụ và có năng lực. Nếu tập thể rất đông, nhưng không chọn được người đủ năng lực thì chứng tỏ, nhiều nhưng không bằng ít mà làm được việc” - ông Hữu nhấn mạnh.
Bình luận về vụ cậu bé 10 tuổi ở quận Cầu Giấy bị bố ruột và mẹ kế bạo hành suốt 2 năm, ông Hữu cho rằng, người bố có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhưng nếu có đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em tốt sẽ phát hiện ra những gia đình có biểu hiện bạo hành trẻ em để có biện pháp ngăn ngừa. Trong khi đó, bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, khi đội ngũ 62.000 cộng tác viên làm công tác trẻ em cấp xã bị giải thể, cũng là một nguyên nhân dẫn đến phát hiện muộn trẻ em bị bạo hành. Đối với Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, bà Minh quan tâm nhiều đến vai trò của người làm công tác trẻ em cấp xã. Nếu quy trách nhiệm bảo vệ trẻ em về cấp UBND xã thì phải tổ chức công việc cụ thể, tạo điều kiện tốt để họ hoàn thành nhiệm vụ.
Cho rằng một số chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em chưa thỏa đáng, như hành vi làm tổn thương tới trẻ chỉ bị phạt 5 – 10 triệu đồng, PGS.TS Bùi Thị Xuân Mai – Trường Đại học Lao động xã hội đề xuất tăng mức hình phạt. Bên cạnh phạt hành chính, cần có chế tài xử lý nghiêm minh, đủ mạnh đối với những người có hành vi bạo lực trẻ em ở mọi mức độ. Đồng thời, kiên quyết sử dụng hình thức chăm sóc thay thế đối với những gia đình, cha mẹ không làm tròn nghĩa vụ ngay cả khi họ không phải là người bạo lực với con cái.