KTĐT - Một ngày sau khi giá xăng dầu điều chỉnh mức kỷ lục, nhiều doanh nghiệp vận tải, hãng taxi ở TP HCM vội áp giá cước, phí vận chuyển lên 10-24% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa tại TP HCM - Thái Văn Chung cho biết, từ ngày 25/2, hầu hết doanh nghiệp vận tải là thành viên của Hiệp hội (khoảng 100 đơn vị) đều điều chỉnh cước phí vận chuyển, mức tăng khoảng 15-20%. Số còn lại cũng sẽ nhanh chóng áp giá mới, sau khi thống nhất mức tăng cụ thể với từng khách hàng.
Đây được coi là đợt điều chỉnh giá cước mạnh trong nhiều năm trở lại đây, song theo ông Chung "Nhiều khách hàng thông cảm và chấp nhận giá cao hơn thường lệ 15-20%, do dầu tăng tới 24%".
Ông cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp vận tải, giá dầu chiếm tới 45% chi phí nên lần tăng 3.550 đồng một lít ngày 24/2 đã có ảnh hưởng lớn đến hoạt động doanh nghiệp trong ngành. Ông tính toán, giá dầu tăng 24% nhưng giá cước tăng trung bình 15% chỉ gọi là tạm đủ chi phí. Họ còn đối mặt với nhiều áp lực khác, một trong số đó là lãi suất ngân hàng ở mức cao. Những đơn vị đầu tư phương tiện bằng vốn vay thì lợi nhuận thu được phải trang trải cho nhiều thứ nên không thể gồng gánh thêm nữa. Kết quả là một ngày sau khi xăng dầu tăng giá, nhiều doanh nghiệp cũng điều chỉnh cước phí, chứ không chần chừ như các đợt trước.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh giải thích, những lần trước, khi điều chỉnh giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải còn tồn vài nghìn lít dầu. Tuy nhiên, đợt này do thời gian xăng dầu dự kiến tăng kéo dài, nguồn cung dầu không có, thậm chí có tiền cũng chỉ đổ khoảng 100-200 lít một xe, chứ không được đổ đầy. Chính vì vậy, khi điều chỉnh giá dầu lên 3.550 đồng hôm 24/2, lượng nhiên liệu tồn lại ở các xe không còn nhiều, buộc phải điều chỉnh giá cước ngay, nhất là những hợp đồng mới hoặc chuẩn bị ký với khách hàng.
"Sau một năm vẫn giữ nguyên giá thì đợt này, biểu cước phí mới sẽ tăng dao động 15-24%, tùy từng khách hàng và độ dài quãng đường di chuyển", ông Vinh cho biết. Ngoài ra, do nguyên liệu phụ tùng tăng theo sắt thép, lãi suất ngân hàng tăng, vỏ xe tăng 40% trong năm 2010... khiến chi phí đầu tư, tài chính của xe bị đẩy lên, cho nên một đợt điều chỉnh (dù giá xăng chưa tăng đi nữa) là điều khó tránh khỏi trong năm nay.
Một công ty vận tải khác ở TP HCM tăng giá cước tới 24%, tương đương với mức tăng của giá dầu lần này (14.750 đồng lên 18.300 đồng). Ông lý giải, một số đơn vị đã điều chỉnh từ trước Tết nên tăng thêm 15% là hợp lý. Riêng doanh nghiệp của ông suốt năm ngoái vẫn giữ nguyên giá và việc điều chỉnh mạnh giá nhiên liệu đợt này, doanh nghiệp cộng lại hết sự thay đổi của các chi phí trong thời gian qua, đưa tới kết quả tăng 24%.
Các doanh nghiệp vận tải hầu hết đã áp giá mới, còn cước taxi cũng sẽ điều chỉnh trong vài ngày tới. Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho biết: "Các hãng đã đề nghị điều chỉnh từ trước Tết chứ không phải từ vụ xăng tăng giá mới thay đổi giá, do VAT 5% lên 10%, phí trước bạ lên 10%, đầu tư phương tiện chất lượng cao tăng giá, lãi suất, tỷ giá biến động mạnh". Tuy nhiên, Hiệp hội thống nhất giữ nguyên giá trước và trong Tết và sẽ nghiên cứu phương án điều chỉnh sau Tết. Thế nhưng, giá xăng bất ngờ vọt lên 2.900 đồng một lít, buộc các hãng phải thay đổi giá ngay lập tức, tăng khoảng 10% so với trước.
Hiện các đơn vị đã làm văn bản gửi các sở ngành, đăng ký với cơ quan đăng kiểm và việc tăng giá cước sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Cứ mỗi lần điều chỉnh giá cước, lượng khách có phần vơi đi, nhiều người chuyển sang phương tiện khác. Song, ông Hỷ cho rằng, đây là điều tất yếu, không riêng taxi mà các lĩnh vực khác, xăng, dầu, điện... đều đắt đỏ hơn trước, nên người dân sẽ có sự chia sẻ.
Tại Bến xe miền đông và miền Tây, các doanh nghiệp vận chuyển hành khách chưa có thông báo tăng giá vé. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe miền Đông: "Chuyện tăng giá vé trong những ngày tới sẽ khó tránh, tuy nhiên chưa biết lúc nào doanh nghiệp áp dụng vì họ còn phải làm thủ tục, cũng như 'nhìn nhau' để đưa ra mức giá cạnh tranh".