Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều đổi mới trong quản lý, định hướng thông tin báo chí

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2021, công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, kịp thời hơn, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn, nổi bật là chấn chỉnh tình trạng “báo hóa tạp chí”, định hướng thông tin về các sự kiện quan trọng, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa tạp chí”
Theo báo cáo về công tác báo chí năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp năm 2022, Ban Tuyên giáo T.Ư đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam chủ động định hướng, chỉ đạo, hiệu quả, thuyết phục trong công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp đưa tin sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia và tổ chức, cá nhân, xã hội.
 Ảnh minh họa. 
Các đơn vị đã ban hành kịp thời nhiều đề án, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025; các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước, chiến lược ngoại giao vaccine; các hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, xây dựng Đảng, văn hóa, đối ngoại... đều có hướng dẫn tuyên truyền trên báo chí. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động trong hoạt động và tác nghiệp. 
Cơ quan chỉ đạo, quản lý đã phát huy, chủ động trong việc ban hành các kế hoạch, hướng dẫn truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 và phối hợp các bộ, ngành liên quan để cung cấp thông tin cho báo chí, định hướng dư luận đối với những vấn đề dư luận quan tâm, đóng góp quan trọng vào thành quả chống dịch Covid-19 của đất nước trong các đợt dịch. Tăng cường nắm bắt, trao đổi thông tin từ cơ sở, địa phương để có những chỉ đạo, định hướng kịp thời, sát thực tế. 
Năm 2021 là năm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các cuộc họp giao ban công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề giữa cơ quan chỉ đạo với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí nhằm định hướng phát triển báo chí theo đúng Quy hoạch báo chí, lưu ý, nhắc nhở kịp thời các hành vi vi phạm.
Riêng về việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa tạp chí”, các cơ quan chuyên môn của Bộ TT-TT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với tạp chí thực hiện không đúng với tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép; thường xuyên cập nhật công khai tôn chỉ mục đích của tất cả cơ quan báo chí lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời hướng dẫn các cơ quan hành chính trên cả nước việc cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có quy định về tôn chỉ mục đích áp dụng cho từng cơ quan báo chí; việc cấp phép hoạt động báo chí theo quy định tại Thông tư số 41/2020/TT- BTTTT được rà soát chặt chẽ, bảo đảm tạp chí phải thực sự có nội dung mang tính chuyên sâu, chuyên ngành... Nhờ đó, hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã từng bước đi vào nền nếp, tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp đã bước đầu được ngăn chặn khi Bộ TT-TT quyết liệt xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm này.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường xử lý vi phạm, chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Đặc biệt là văn bản số 4854/BTTTT- CBC ngày 26/11/2021 về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin báo chí tiếp tục chuyển mạnh mẽ, việc triển khai sử dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá, xếp hạng... đóng vai rò tiền đề quan trọng, quyết định trong phân tích, tổng hợp để nắm bắt, nhận biết các xu thế thông tin, phát hiện các biểu hiện để có sự điều chỉnh kịp thời.
Thể hiện rõ nét nhất trong công tác chỉ đạo, quản lý thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đã dựa trên cơ sở kết quả phân tích, tổng hợp xu hướng thông tin để kịp thời điều tiết thông tin theo hướng tăng cường các thông tin tích cực tạo niềm tin, ổn định dư luận xã hội, ngăn chặn có hiệu quả các xu hướng thông tin có thể gây tâm lý bất an trong Nhân dân. 
Bên cạnh đó, chú trọng công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cơ quan báo chí; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 và tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh với tổng kinh phí đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước lên tới 58 tỷ đồng cho 80 cơ quan báo chí Trung ương; trao đổi, thảo luận để bàn các giải pháp hỗ trợ kinh tế báo chí trong tình hình mới.
Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ hội viên, xử lý đơn thư liên quan đến quá trình tác nghiệp của các hội viên, mang lại nhiều kết quả tích cực. Các cấp hội đã quan tâm tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, kịp thời có các hình thức thi hành kỷ luật với các hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Kịp thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông
Nhận định của Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin, giải đáp, hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại. 
Trước xu hướng đó, đối với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí xác định cần đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; đổi mới, tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, nền tảng quảng cáo số, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới. 
Thường xuyên tổ chức giao ban, hội thảo, hội nghị chuyên đề với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí. Chú trọng hỗ trợ kinh tế báo chí, an toàn an ninh thông tin, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, kiến thức về quản lý báo chí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí.
Cùng với đó, chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, trong ngành, đặc biệt là đối với các hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích và thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện thẩm quyền của mình đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí, kể cả cơ quan báo chí T.Ư.
Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT và Hội Nhà báo Việt Nam cũng thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong thông tin đầy đủ, kịp thời và sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. Đồng thời, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Thông tin về nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.