Chiều 1/11, Đoàn công tác UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, cùng đại diện các Sở, ban, ngành TP đi kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm.
Nhiều chuyển biến tích cực của người dân về an toàn cháy nổ
Trực tiếp đi kiểm tra khu nhà ở nhiều căn hộ ở 144 B Phúc Tân và khu nhà trọ trong ngõ 463 đường Hồng Hà, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn ghi nhận những khắc phục về PCCC đã được thực hiện tại 2 công trình trên như đã dỡ bỏ hệ thống chuồng cọp, hoa sắt ở cửa sổ để thông với các nhà liền kề, trang bị bình cứu hoả mini, thang dây thoát hiểm cho các tầng…
Phó Chủ tịch TP trao đổi với đại diện người dân sinh sống trong chính "chung cư mini" và nhận xét đã có những chuyển biến tích cực khi ý thức về phòng, chống cháy nổ của người dân nhờ sự vào cuộc tuyên truyền của chính quyền và Công an phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND phường Phúc Tân Nguyễn Công Bằng báo cáo với đoàn công tác về thực trạng địa bàn, chủ yếu nằm ngoài đê sông Hồng có diện tích 0,7km2, phố không vỉa hè, thành phần dân cư chủ yếu là người lao động, hiện toàn phường 4.500 hộ và hơn 2.000 người ở 196 nhà trọ.
Công tác PCCC gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của quận Hoàn Kiếm đã thành lập được 40 tổ liên gia PCCC. Ngày 14 và 15/9 vừa qua, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp kiểm tra và thành lập 5 tổ công tác tổng kiểm tra 2.971 hộ trong diện có nguy cơ cháy, nổ cao yêu cầu phá dỡ ngay 500 hộ có chuồng cọp.
Địa bàn phường Phúc Tân hiện có 3 "chung cư mini", trong đó có chung cư 144B Phúc Tân, được hoàn thành từ năm 2007, chủ hộ là ông Nguyễn Mạnh Toàn (SN 1955 ở phố Hàng Đào, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa là chủ hộ vừa là chủ Hợp tác xã Tân Phương sản xuất giấy nằm phía trước chung cư.
Hiện tại cả 41 phòng có diện tích trung bình từ 20-35m2 trong chung cư 7 tầng 144B Phúc Tân đều là mua bán viết tay giữa ông Toàn và người dân. Chung cư không có đơn vị vận hành, ông Nguyễn Mạnh Toàn chỉ thuê 2 bảo vệ. Thực trạng nhà dù đã khắc phục công tác PCCC như trang bị bình bọt, mở lối thoát hiểm phía trước và xung quanh nhưng vẫn chưa trang bị báo động cháy, hệ thống điện vận hành cũ, một số tầng bình nóng điều hoà xả thẳng hành lang... Đến nay, UBND phường Phúc Tân đã mời ông Nguyễn Mạnh Toàn và các hộ dân tuyên truyền, ký cam kết công tác PCCC, yêu cầu Hợp tác xã Tân Phương ngừng sản xuất giấy di chuyển ra khỏi khu dân cư.
Sau khi nghe phường Phúc Tân báo cáo về thực trạng tình hình PCCC, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các ban ngành cùng có ý kiến khắc phục. Các ý kiến của ngành Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên môi trường, Công thương, Xây dựng… đều tập trung vào việc nhanh chóng có hành lang pháp lý để TP và các cơ quan chức năng ban hành các văn bản quản lý đối với loại hình "chung cư mini".
Theo ý kiến của ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Tổng Công ty điện lực Hà Nội, phần lớn vụ cháy trên địa bàn đều có nguồn gốc từ chập cháy điện. Qua đi kiểm tra thực tế, ông Dũng đã đề xuất với những hộ dân sử dụng nguồn điện gồm dây dẫn, các thiết bị dân dụng lâu năm xuống cấp, có nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ khi khảo sát không đủ điều kiện cần chấm dứt hợp đồng, ngắt điện ngay chờ khắc phục...
Tại buổi làm việc, đề xuất của Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng công an quận Hoàn Kiếm và đại diện Công an TP Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Tiến Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đều tập trung vào việc nêu bật khó khăn khi khắc phục hậu quả liên quan đến kinh phí thực hiện và vấn đề về hành lang pháp lý...
Đề xuất những giải pháp thiết thực
Sau khi nghe các ý kiến quận Hoàn Kiếm và các Sở, ban ngành đưa ra trong quá trình kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao quận Hoàn Kiếm, qua quá trình kiểm tra, rà soát đã kịp thời có những kiến nghị, giải pháp cụ thể như yêu cầu di dời cơ sở sản xuất ra khỏi "chung cư mini", nhanh chóng mở các lối thoát hiểm, tiến hành bổ sung 2 vị trí lấy nguồn nước trực tiếp từ sông Hồng phục vụ công tác PCCC&CNCH trên địa bàn 2 phường Chương Dương và Phúc Tân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đánh giá cao giải pháp Hoàn Kiếm đưa ra nhà nào cũng có bể nước, khi xảy ra sự cố nêu cao tinh thần tương thân tương ái tự cứu giúp nhau sẽ hạn chế nhiều hậu quả.
“Quận Hoàn Kiếm làm tốt, tôi tin là cả TP sẽ làm tốt. Để người dân tự có giải pháp bảo vệ mình Hoàn Kiếm đã tuyên truyền và đang thực hiện rất tốt. Với quận Hoàn Kiếm cần làm ngay, chủ động nguồn kinh phí trang thiết bị, quần áo cho lực lượng PCCC cơ sở” - Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Lưu ý với các Sở ban ngành, Phó Chủ tịch TP đặc biệt quan tâm, về lâu dài các nghành Điện, Công thương cần đặt lợi ích người dân lên lợi ích khách hàng, siết chặt việc buôn bán các thiết bị PCCC tên thị trường, không để hàng hoá trôi nổi làm người dân khó tiếp cận dùng đồ tốt rẻ.
Đối với ngành Tài nguyên môi trường, Xây dựng cũng cần ra soát hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý, vận hành dạng nhà "chung cư mini", cấp phép xây dựng, bổ sung quy định PCCC trong cấp phép xây dựng. Ngành Điện cần đặt lợi ích người dân trên lợi ích khách hàng nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các quy định an toàn khi sử dụng điện.
Phó Chủ tịch đồng ý với đề xuất quản lý nhóm trông trẻ tự phát, kinh doanh hoá chất trong diện quản lý Nhà nước, đưa ra giải pháp tổng thể nhưng có phân loại chi tiết theo đặc thù, quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở tham vấn các ý kiến ban ngành Công an TP cần có báo cáo chi tiết về những đề xuất như đã nêu.
Ngay sau cuộc kiểm tra, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long tiếp thu những ý kiến của Đoàn công tác, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mỗi người dân, mỗi khu phố trong việc sử dụng trang thiết bị điện và các biện pháp phòng ngừa cháy bổ. Ngoài các "chung cư mini" còn có 400 nhà trọ trên địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cần tập trung kiểm tra thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, tập huấn người dân tận dụng thời điểm vàng 5 phút cháy đầu tiên và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCC&CNCH...
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, thời gian tới quận tiếp tục đề xuất TP trang bị 351 họng nước cứu hoả còn thiếu trên địa bàn, tiếp tục khảo sát ngõ sâu từ 100m trở lên tiếp tục đề xuất lắp họng nước chữa cháy. Các phường, hộ dân an toàn thì toàn quận an toàn.