Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hành khách không thể lên tàu vì sai thông tin trên vé

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định của ngành đường sắt, những vé tàu tết không đúng thông tin với giấy tờ...

Kinhtedothi - Theo quy định của ngành đường sắt, những vé tàu tết không đúng thông tin với giấy tờ người đi tàu xem như không hợp lệ và không có giá trị đi tàu. Vì vậy những ngày qua, tại ga Sài Gòn có nhiều người không thể lên tàu do thông tin trên vé không đúng với thông tin của người đi tàu.

Vừa trông coi đống hành lý, vừa chăm sóc con gái nhỏ, chị Nguyễn Thị Hoa, 35 tuổi, quê ở Nam Định nóng lòng gọi điện cho người nhà thông báo việc hai mẹ con chị không được lên tàu. Chị Hoa cho biết, gần 2 tháng trước, chị đến ga Sài Gòn mua vé nhưng nhà Ga thông báo vé đã hết. Chị đành về đại lý gần nhà để mua. Vé chị mua là vé tàu SE6, loại ngồi điều hòa, đi chuyến 9 giờ ngày hôm nay 10/2. Khi tàu gần lăn bánh, chị Hoa bị nhân viên soát vé từ chối cho lên tàu, vì thông tin trên vé không khớp với giấy chứng minh nhân dân của chị.
Hành khách đến lấy vé đi tàu Tết. (Ảnh minh họa: KT)
Hành khách đến lấy vé đi tàu Tết. (Ảnh minh họa: KT)
 
“Ga tàu không có vé nên em đi ra đại lý mua. Mà đại lý đó bán vé tên của người khác không phải tên của em. Nhưng người bán vé ở đại lý nói là lên tàu được, không sao hết. Mấy năm trước cũng lên được chứ có sao đâu, năm nay tự nhiên lại vậy. Cái vé đó tôi nghĩ từ nhà ga bán ra cho đại lí, chứ có phải mình mua vé chợ đen đâu. Tự nhiên bảo mình ra đổi vé, mất 30% mà phải đúng tên của người trong vé đổi cho mình, mà mình đâu phải người trong chứng minh nhân dân đâu”, chị Hoa kể.

Trường hợp của chị Hoa chỉ là một trong nhiều hành khách không được lên tàu  tại Ga Sài Gòn trong mấy ngày qua. Phần lớn những hành khách này đều mua vé “chợ đen” từ “cò” hoặc nhờ giấy tờ của người khác để mua vé. Như trường hợp của một nhóm bạn trẻ quê ở Huế đi chuyến tàu SE6, cả nhóm 6 người thì chỉ 3 người có vé hợp lệ nên được lên tàu, ba người còn lại không được lên tàu vì vé không hợp lệ. Những bạn trẻ này đã mượn giấy tờ của người khác để mua vé cho nhau.

Còn anh Lê Quang Long, 43 tuổi, quê ở Quảng Ngãi cho biết, trong những ngày nhà ga bán vé, anh đến xếp hàng chờ mua vé nhưng không mua được. Ra đến cổng ga thấy “cò” chào mời vé, anh bỏ ra thêm hơn 200.000 đồng để mua cho bằng được vé về quê. Tuy hơi lo lắng vì thông tin trên vé mang tên và số chứng minh nhân dân của người khác nhưng “cò” vé đảm bảo 100% là anh vẫn được lên tàu. Khi bị nhân viên nhà ga từ chối cho lên tàu, anh Long đành bắt xe ôm ra bến xe Miền Đông mua vé về Quảng Ngãi.

“Tôi không rành nên lỡ mua vé của “cò” vé. Lúc lên tàu thì người ta đuổi tôi xuống, người ta nói ghế đó đã có người ngồi rồi. Giờ tôi đành ra bến xe Miền Đông mua vé nóng về Quảng Ngãi”, anh Long nói.

Bên cạnh đó, một số hành khách đặt vé và thành toán thành công qua mạng nhưng chủ quan khi gần đến giờ tàu chạy mới đến ga. Vì vậy không kịp làm thủ tục lấy vé để lên tàu.

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn khuyến cáo, hiện có gần 2.000 hành khách đã đặt vé và thanh toán tiền thành công cần tranh thủ đến ga lấy vé sớm để kịp giờ tàu chạy. Bên cạnh đó, nay đã có khá nhiều trường hợp không được lên tàu do vé không hợp lệ. Vì năm nay ngành đường sắt sẽ thắt chặt việc kiểm tra vé và giấy tờ tùy thân trước khi khách lên tàu.

“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quy định: Tất cả vé cần phải có tên và số chứng minh hoặc giấy tờ tùy thân để ghi vào vé. Hành khách đi tàu mà mua vé ngoài không đúng tên sẽ không được đi tàu”, ông Thành cho biết.

Bán vé điện tử và siết chặt việc kiểm tra vé tàu là nỗ lực của ngành đường sắt trong việc chống cò vé, phe vé lộng hành. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, an ninh an toàn cho người dân. Những trường hợp trên đây là bài học cho người dân về việc không tuân thủ quy định của ngành đường đường sắt hiện nay nên đã rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.