Thực tế, đã có những chuyện dở khóc, dở cười xảy ra.
“Sốc” vì nhiều điểm thấp
Thông tư 30 yêu cầu GV đánh giá không dựa trên so sánh giữa HS này với HS khác, phải vì sự tiến bộ của HS, đặc biệt, không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên HS tiểu học. Tuy nhiên, năm nay, bước sang năm thứ 3 thực hiện, nhiều phụ huynh có con học lớp 5 lên lớp 6 rất hoang mang, còn GV lo ngại về chất lượng học tập của HS.
Không ít phụ huynh có con vào học lớp 6 năm nay tỏ ra băn khoăn vì kết quả học tập của con mình. Chị Nguyễn Mai Hương, phụ huynh HS trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, cả 5 năm học tiểu học, lớp 1, 2, 3 cháu đều được danh hiệu HS giỏi, lớp 4, 5 đều được điểm 9, 10 các bài kiểm tra Toán, Tiếng Việt... vào cuối kỳ, cuối năm, mỗi năm đều được giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập... Nhưng từ khi bước vào lớp 6 đến nay, điểm học tập các môn học của con lại yếu, kém. “Từ đầu năm đến nay, một số bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, cháu đã “xơi” mấy điểm 1, điểm 2. Không kìm nén được bực tức, tôi đã mắng cháu, thế nhưng tôi còn “sốc” hơn khi nhận được câu trả lời của con: “Ở lớp con hầu như bạn nào cũng điểm kém, vì hồi cấp 1 không phải làm bài tập về nhà, không phải học nhiều môn, cũng không kiểm tra 15 phút với 1 tiết như lớp 6". Khi cháu trả lời như vậy, tôi cứng họng không biết nói gì!” - chị Hương chia sẻ.
Cũng trong tâm trạng lo lắng về điểm học tập của con, chị Hoàng Bích Lan, phụ huynh HS trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) kể, con chị đã rất vui khi khoe được 6 điểm bài kiểm tra 15 phút môn Lịch sử. Điểm này cao hơn hẳn nhiều bạn trong lớp, và có những bạn chỉ đạt điểm 1, điểm 2. “Thấy hoang mang, tôi đã gặp GV chủ nhiệm trao đổi trực tiếp và được cô giáo xác nhận, từ đầu năm học tới nay, điểm số của HS trong lớp đều phổ biến ở mức trung bình và kém” - chị Lan cho biết.
Tuy nhiên, trao đổi với nhiều GV dạy khối 6, điểm số này chưa phản ánh đúng, đầy đủ chất lượng học tập của HS, nhất là HS lớp 6 năm nay. Trong khi ở cấp tiểu học, HS chỉ được chấm điểm cuối kỳ và cuối năm học với 2 môn Toán, Tiếng Việt thì rất dễ hiểu khi lên cấp THCS, HS sẽ không kịp xoay xở. Trong khi số môn học lên tới 11 môn, trong đó có 9 môn đánh giá bằng cho điểm, trừ môn Thể dục, Nhạc, Họa đánh giá bằng nhận xét. Hơn nữa, phần lớn HS chỉ học 1 buổi/ngày với số môn quá nhiều, trong khi cả 5 năm học tiểu học, HS không phải làm bài tập về nhà, không phải làm bài kiểm tra hàng tuần, hàng tháng... thì điều HS “xơi” điểm 1, điểm 2 cũng là... bình thường.
Khác biệt lớn giữa 2 cấp học
Đang học với tâm thế không đánh giá bằng điểm số, bước vào lớp 6 với kiểu học hoàn toàn khác khiến HS mới vào lớp 6 chịu nhiều áp lực. Ngay từ khi vào lớp 6, HS đã phải làm các bài kiểm tra bằng chấm điểm với hình thức hoàn toàn xa lạ mà ở tiểu học chưa từng biết đến như kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 45 phút…
Phần lớn GV các trường THCS đều tỏ ra lo ngại về chất lượng những HS mới vào lớp 6. Cô Chu Thị Phương Thúy – GV chủ nhiệm lớp 6A3 trường THCS Đống Đa cho biết, qua kiểm tra, nhiều HS thường xuyên không làm bài tập về nhà, không ít HS không biết cách ghi bài trên lớp. “Nếu thả lỏng, không sát sao, chỉ đến nửa kỳ 1 lớp 6, các con sẽ đuối, dần sẽ mất gốc... Từ lớp 5 lên lớp 6 rất nhiều khác biệt: HS phải học nhiều môn với nhiều thầy cô giáo khác nhau, phải học, làm bài tập về nhà nhiều. Tuy nhiên, HS rất lười học, thậm chí không biết cách ghi bài. Đây là hạn chế của Thông tư 30” - cô Thúy nhận định.
Trước thực tế này, bà Lê Đoan Trang - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) chia sẻ, tham khảo ý kiến của các GV cấp 2, nhiều người cho biết, HS lười học hơn, nhiều em không định lượng được cách thức làm một bài kiểm tra ra sao, còn phụ huynh HS “sốc nặng”. “Việc thay đổi cách đánh giá với HS tiểu học là cần thiết nhưng Bộ GD&ĐT cần phải có tính toán hợp lý giữa 2 cấp học. Không thay đổi quá đột ngột về cách đánh giá khi HS lên cấp học cao hơn, phải đảm bảo tính liên thông, không thể thực hiện khập khiễng giữa các cấp học, gây áp lực cho HS, GV” – bà Trang nhấn mạnh.
Trước những lo lắng của phụ huynh, GV về thực trạng HS lớp 6 học kém, điểm thấp, lại lười học, nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 30 đang gây áp lực cho HS, GV (THCS). Và việc Bộ GD&ĐT thực hiện theo kiểu nửa vời, "mang con bỏ chợ”, không có tính kết nối, liên thông giữa các cấp học dẫn đến chất lượng dạy - học không hiệu quả.