Các hợp đồng dầu thô tương lai khởi sắc trong phiên này, trong đó hợp đồng dầu Brent tăng mạnh khi nhà đầu tư lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung tại Libya và Venezuela cùng với dự báo kim ngạch xuất khẩu của Iran giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/7, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 8 trên sàn Nymex tăng 5 xu Mỹ, khoảng gần 0,1%, lên 73,85 USD/thùng, sau khi dao động ở mức thấp 72,99 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn London cộng 96 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 78,07 USD/thùng.
Trong những tháng gần đây, sự thiếu hụt nguồn cung tại Libya, Venezuela và Iran đã đẩy giá dầu leo dốc mạnh, vốn đang có xu hướng tăng giá trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh đang thực hiện cắt giảm sản lượng để cân bằng cung cầu.
Trong cuộc họp tháng trước, OPEC cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã đồng ý nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng từ Venezuela và Iran. Teheran hiện đang bị Mỹ đe dọa sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên kim ngạch xuất khẩu dầu sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuật hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, một số nước đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, qua đó làm dịu bớt lo ngại về khả năng xuất khẩu Iran sụt giảm. Tại cuộc họp tuần qua, ngoại trưởng các cường quốc gồm Đức, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đã khẳng định lại cam kết của mình đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng chú ý đến những dấu hiệu về sự gia tăng nguồn cung tại Mỹ, khi dữ liệu định kỳ từ Baker Hughes cho thấy số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ cộng 5 giàn lên 863 giàn, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 3 tuần qua.
Các chuyên gia phân tích tại ICICI Bank nhận định: “Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã tăng mạnh trong phiên 6/7 ngay cả khi dữ liệu cho thấy dấu hiệu về sự gia tăng sản lượng trong tương lai tại Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng sẽ không thể bù đắp cho sự thiếu hụt từ các nguồn khác như Iran và Venezuela”.
Trong khi đó, thông qua một loạt các dòng tweet, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các quan chức Ả Rập Saudi, nhà sản xuất dầu có ảnh hưởng nhất OPEC, gia tăng sản lượng và làm giảm giá dầu.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi tình hình căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Cuối tuần qua, Mỹ đã áp thuế 25% lên nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng có động thái áp thuế trả đũa.