Khủng hoảng nguồn khách
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, do dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour, sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm tham quan phải đóng cửa. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt trên 3 triệu lượt, chiếm 80,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 580.000 lượt, chiếm 15,4% và giảm 74,2%; bằng đường biển đạt 144.000 lượt người, chiếm 3,8% và giảm 15,9%. Tuy nhiên, phần lớn khách quốc tế trong giai đoạn này chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, lưu học sinh nước ngoài quay trở lại Việt Nam học tập. Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng đầu năm ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước.Sự giảm sút về lượng khách và doanh thu đã khiến cho nhiều chủ đầu tư rao bán khách sạn như: Khách sạn 5 sao Grand Vista Hà Nội (Hà Nội) được rao bán 950 tỷ đồng; khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre (TP Hồ Chí Minh)... Cùng với đó, hàng loạt khách sạn từ 2 – 4 sao đều được chủ đầu tư rao bán do kinh doanh thu lỗ, không đủ kinh phí vận hành. Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thương mại Nam Đăng Lê Xuân Vinh cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động của đơn vị này bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đầu quý III/2020, công ty đã phải trả lại một số mặt bằng kinh doanh lưu trú do không có doanh thu. “Hiện nay, chúng tôi đang phải tìm đối tác để nhượng lại bớt cổ phần của một số khách sạn đang hoạt động, do không đủ vốn để tiếp tục duy trì. Nếu chủ nhà không giảm kịch trần giá thuê, chúng tôi chỉ còn cách phá sản” – ông Lê Xuân Vinh chia sẻ.Khó khăn sẽ kéo dài?Rao bán được xem là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn, song nhiều chủ khách sạn cũng thừa nhận việc này cũng rất khó khăn. Bởi lẽ, ít nhà đầu tư nào dám mạo hiểm ôm cục nợ vào thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thị trường du lịch Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, BĐS du lịch – lưu trú là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, những khó khăn này dự kiến sẽ còn kéo dài. “Nếu dịch bệnh chấm dứt trong quý III/2020, dự báo thị trường sẽ bắt đầu hồi phục vào cuối năm. Ngược lại, nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối năm thì phân khúc BĐS du lịch – lưu trú sẽ còn “ngủ đông” đến hết năm 2021” – ông Nguyễn Văn Đính nhận định.Để ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh và phục hồi thị trường du lịch, theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (Tổng cục Du lịch) Trần Trọng Kiên, các DN du lịch cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, đồng thời phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành. “Các DN lớn cần cam kết sẽ không bán sản phẩm không an toàn, kém chất lượng; không bán với giá thấp hơn giá thành sản xuất trực tiếp. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các DN, địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng dịch vụ” – ông Trần Trọng Kiên nhìn nhận.
Thị trường du lịch nội địa cần có sự kết nối đồng bộ hơn nữa giữa các địa phương, điểm đến, hàng không, lữ hành, lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí để tăng tính hiệu quả, hấp dẫn cho các chương trình kích cầu nội địa, tạo sự cộng hưởng, lan tỏa, đáp ứng nhu cầu du khách. Đây cũng là thời điểm đòi hỏi các DN lớn phải chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường của mình, tạo ra những cú hích mạnh mẽ góp phần định hướng và khôi phục thị trường du lịch. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Trùng Khánh |