Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khó khăn cần giải quyết trong phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm là định hướng quan trọng của TP Hà Nội được thực hiện trong vài năm trở lại đây.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai, người chăn nuôi vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Hiệu quả của trang trại lớn

Hiện nay, toàn TP có hơn 3.100 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, có 35 trại chăn nuôi bò sữa, 68 trại chăn nuôi bò thịt, 779 trại chăn nuôi lợn với quy mô từ 100 con lợn thịt/hộ trở lên. Với gia cầm có 2.303 trại chăn nuôi với quy mô từ 1.000 gà đẻ, 1.000 gà thịt, 500 gà thả vườn trở lên. Tổng đàn gia súc, gia cầm tại các vùng, xã trọng điểm và trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư chiếm 40,5% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn TP. Các hộ chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đã và đang tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như khu chăn nuôi lợn tại xã Cổ Đông (Sơn Tây), khu chăn nuôi bò sữa tại xã Phượng Cách (Quốc Oai), khu chăn nuôi của HTX Hoàng Long tại Tân Ước (Thanh Oai)…
Tham quan mô hình chăn nuôi quy mô trang trại lớn tại xã Cấn Hữu,  huyện Quốc Oai. 	Ảnh: Ngọc Sơn
Tham quan mô hình chăn nuôi quy mô trang trại lớn tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: Ngọc Sơn
Tại các khu chăn nuôi tập trung nhiều chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư lớn hệ thống chuồng trại, từ chăn nuôi hở sang chăn nuôi kín rộng hàng ngàn mét vuông. Đơn cử, HTX Hoàng Long đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn 3 tầng (còn gọi là chung cư lợn) với hệ thống thiết bị làm mát, chủ động điều tiết nhiệt trong chuồng nuôi. Bên cạnh đó, các trang trại lớn còn yêu cầu về đầu tư con giống có năng suất cao, hệ thống xử lý môi trường, phương tiện vận chuyển, phối trộn thức ăn…Khi có sự đầu tư lớn và đồng bộ, các trang trại đã giảm được nhân công lao động, chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua đánh giá, với mức đầu tư đồng bộ, tỷ lệ động dục, đậu thai của lợn đạt trên 90% trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ đạt 80 – 85%. Tỷ lệ con đẻ trên một nái tăng, đạt bình quân 9,7 – 10 con/lứa sau cai sữa. Một điều rất quan trọng nữa là khi nuôi ở trang trại lớn sẽ kiểm soát được vệ sinh an toàn thú y, môi trường, tạo ra sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.

Nhiều nút thắt

Cho đến nay, số hộ chăn nuôi lớn đạt hiệu quả cao trên địa bàn TP còn quá thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc phát triển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, về đất đai, đa số các hộ chưa nằm trong quy hoạch, nhiều địa phương tạo điều kiện để các hộ chuyển đổi diện tích ra ngoài khu dân cư song việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) còn bất cập. Hơn nữa, thời gian giao đất theo thẩm quyền của cấp xã chỉ 5 năm gây khó cho các hộ chăn nuôi muốn đầu tư lâu dài. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ chăn nuôi chưa được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại do vướng mắc về cấp sổ đỏ.

Một trong những khó khăn mà rất nhiều hộ chăn nuôi đang gặp phải là thiếu vốn sản xuất. Để đầu tư trại chăn nuôi lớn đòi hỏi phải có lượng vốn lớn, thậm chí có trang trại cần đầu tư hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi vay vốn, song lại vướng về tài sản thế chấp. Đặc biệt, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn là băn khoăn, trăn trở của các hộ chăn nuôi trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn TP. Nhiều hộ đã chủ động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, mở địa điểm bán hàng đến tận các siêu thị, chung cư hay trực tiếp cung cấp cho nhà hàng, trường học, bếp ăn tập thể… Tuy nhiên, trên thực tế các trang trại thường gặp khó bởi giá cả thị trường, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Để khắc phục những vấn đề trên, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư rất cần sự quan tâm vào cuộc đồng độ của các cấp, ngành. Trước mắt là giải quyết tồn đọng về cấp sổ đỏ, giúp các hộ chăn nuôi yên tâm mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật để xây dựng trang trại quy mô lớn. Đi đôi với đó là việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn TP mới có bước chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.