Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khó khăn, lắm thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 4 năm bị gạt ra khỏi cuộc chơi, trái phiếu Hy Lạp đã trở lại ấn tượng trên thị trường tài chính toàn cầu.

Đây được coi là một chỉ dấu cho sự hồi phục của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, nhiều số liệu mới công bố cho thấy, phải rất lâu nữa, khu vực này mới có thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Tại Pháp, kết quả thảm bại trong cuộc bầu cử địa phương là đòn trừng phạt bằng lá phiếu của cử tri trước việc đảng cầm quyền Xã hội đã thất bại trong thực thi cam kết cải cách kinh tế. Tân Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin vừa cảnh báo, nếu không nhanh chóng hàn lại các "lỗ hổng", 2 năm nữa, con tàu kinh tế Pháp sẽ bị đắm.

 
Thủ tướng Italia Matteo Renzi đang gặp khó khăn trong việc thực hiện chương trình cải cách kinh tế trong vòng 100 ngày.       Ảnh: AP
Thủ tướng Italia Matteo Renzi đang gặp khó khăn trong việc thực hiện chương trình cải cách kinh tế trong vòng 100 ngày. Ảnh: AP

Trên thực tế, Chính phủ của tân Thủ tướng Manuel Valls đang gặp vô vàn khó khăn, tăng trưởng GDP năm 2013 của Pháp chỉ đạt 0,3% sau khi không tăng trưởng năm 2012. Thâm hụt ngân sách cũng lên tới 4%, cao hơn giới hạn 3% do Liên minh châu Âu (EU) đề ra. Trong khi Pháp trải qua đợt thay máu chính trị vì tăng trưởng trì trệ, Italia - đầu tàu kinh tế thứ ba của Eurozone cũng liên tiếp đón nhận những tin xấu. Theo báo cáo của Ngân hàng T.Ư Italia hôm 14/4, nợ công của nước này đã lên mức kỷ lục mới, với 2.107,2 tỷ Euro, tương đương 132% GDP. Nợ công quá cao đã tạo ra những áp lực nặng nề lên nền kinh tế Italia và sẽ ngày càng trở nên căng thẳng hơn nếu như những biện pháp cải cách mà chính phủ đưa ra không có hiệu quả. Sau khi kế nhiệm ông Enrico Letta vào tháng 2/2014, Thủ tướng Matteo Renzi đã công bố một gói cải cách nhằm vực dậy nền kinh tế trong vòng 100 ngày. Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cử tri do lo ngại tỷ lệ thất nghiệp vốn đang ở mức kỷ lục 12,9% tiếp tục tăng cao. 

Việc Pháp và Italia, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba Eurozone tiếp tục lâm vào khó khăn cho thấy, thị trường đã sai khi cho rằng khu vực này đã thoát khủng hoảng. Trong cuộc họp cuối tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo về khả năng lạm phát, chỉ ở 0,5% của Eurozone là quá thấp so với mục tiêu 2% của Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và gây ra sức ép cho các nước trong việc khôi phục khả năng cạnh tranh, khiến việc giảm gánh nặng nợ công cũng trở nên khó khăn hơn. Không những thế, việc đồng Euro đang mạnh lên là một diễn biến bất thường so với sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế. Giá trị của đồng Euro lên cao so với các đồng tiền chủ chốt khác, gây khó khăn cho quá trình nâng sức cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên Eurozone. Nhận thức được nguy cơ trên, Chủ tịch ECB Mario Draghi nhận định, có lẽ đã đến lúc phải hành động để ngăn chặn đà tăng giá của đồng Euro.

Những diễn biến trên có thể được coi là một cuộc sát hạch mới đối với sức khỏe của nền kinh tế Eurozone. Chưa biết khu vực này có thể vượt qua được cuộc kiểm tra sức khỏe hay không, nhưng chắc chắn nó sẽ tác động không nhỏ đến đà nỗ lực phục hồi của các nước thành viên và nền kinh tế toàn cầu.