Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy cơ sở ở Hà Đông

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau hơn một năm thực hiện Nghị định 136 của Chính phủ về phòng cháy và chữa cháy, quận Hà Đông nước đầu đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC&CHCN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Kết quả bước đầu

Nghị định 136 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/1/2021, quy định về hoạt động PCCC, tổ chức lực lượng, phương tiện PCCC, kinh doanh dịch vụ PC&CC, kinh phí bảo đảm cho hoạt động PC&CC, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong hoạt động PC&CC.

Sau hơn 1 năm triển khai, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo Công an quận, phối hợp cùng UBND các phường tổ chức triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền bản hướng dẫn cơ sở, hộ gia đình về quy định PCCC.

Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 136 nhiều hộ dân kết hợp nhà ở và kinh doanh đã trang bị hệ thống PCCC.
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 136 nhiều hộ dân kết hợp nhà ở và kinh doanh đã trang bị hệ thống PCCC.

Năng lực PCCC trên địa bàn quận từng bước được nâng cao, lực lượng cảnh sát PCCC, lực lượng PCCC cơ sở bước đầu được củng cố, kiện toàn về quy chế tổ chức và hiệu quả hoạt động. Phương tiện hoạt động trong PCCC&CHCN ngày càng được tăng cường theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC trong thời kỳ mới.

Phường Vạn Phúc có 251 cơ sở thuộc phụ lục số 4 của Nghị định 136, thuộc diện quản lý của UBND phường. UBND phường Vạn Phúc đã tích cực chỉ đạo các bộ phận chuyên môn nghiên cứu những quy định của công tác PCCC, thường xuyên trao đổi với Công an quận Hà Đông để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC.

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Đặng Quang Hải chia sẻ: “Đảng ủy phường đã có Nghị quyết về PCCC&CHCN năm 2022, UBND phường đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC và xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” khi cháy nổ xảy ra. UBND phường đã chỉ đạo bộ phận truyền thanh thường xuyên tuyên truyền trên loa, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật PCCC; đồng thời, yêu cầu 100% cơ sở ký cam kết về PCCC, với 4.325 hộ dân trên địa bàn.

Tổ PCCC của khu dân cư tại phường Vạn Phúc hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ dân.
Tổ PCCC của khu dân cư tại phường Vạn Phúc hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ dân.

Phường đã tổ chức kiểm tra 122/251 cơ sở thuộc phụ lục số 4 của Nghị định 136, phát hiện 82 trường hợp vi phạm về PCCC, hướng dẫn phương án PCCC&CNCH cho các cơ sở. Qua đó 97,5% hộ dân đã tự giác tháo dỡ chuồng cọp, lồng sắt, mở lối thoát nạn thứ 2 và trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC, lập và lưu giữ 68 hồ sơ quản lý, theo dõi về PCCC đối với cơ sở thuộc phụ lục 4 của Nghị định 136. Phường đã tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về PCCC và hướng dẫn cho 122 cơ sở về phương án PCCC&CNCH”.

Theo quận Hà Đông, từ khi triển khai Nghị định 136, lực lượng chức năng của quận đã tiến hành kiểm tra 150.018 lượt cơ sở, lập trên 5.000 biên bản kiểm tra về PCCC&CNCH, trong đó, cơ sở kiểm tra thuộc phụ lục 3 do cơ quan Công an quận Hà Đông quản lý là 1.475 lượt và 3.543 lượt cơ sở thuộc phụ lục 4 do UBND cấp phường quản lý.

Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 108 trường hợp, với 152 lỗi vi phạm về PCCC, tạm đình chỉ 1 trường hợp. Cùng với đó, quận đã thành lập 34 khu dân cư an toàn về PCCC, tổ chức thí điểm mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC tại 2 phường Vạn Phúc và Phú Lương, triển khai ứng dụng điện tử báo cháy 114, nhóm Zalo báo cháy, phối hợp với công an các phường tổ chức cho người dân tháo dỡ chuồng cọp tại ban công để đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Ghi nhận tại phường Vạn Phúc, là một phường tích cực triển khai Nghị định 136, nhưng thực tế phần lớn hộ dân hoạt động SXKD lụa, đang đặt ra cho phường những khó khăn.

Ông Đặng Quang Hải cho biết thêm: “Các cơ sở thuộc diện PCCC do UBND phường quản lý diện tích không lớn, thường tận dụng tối đa diện tích sàn nhà và không gian trong nhà để chứa hàng hóa, chiếm gần hết lối đi lại, thậm chí, cầu thang lên xuống cũng bị tận dụng và đặc biệt có trường hợp để gần bếp ăn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ”.

Các hộ kinh doanh tại Vạn Phúc do nhà ở chật nên tận dụng hết các không gian để trưng bày hàng hoá, khiến nguy cơ cháy nổ cao.
Các hộ kinh doanh tại Vạn Phúc do nhà ở chật nên tận dụng hết các không gian để trưng bày hàng hoá, khiến nguy cơ cháy nổ cao.

Phúc La là phường đô thị hóa sớm và nhanh trên địa bàn quận Hà Đông, số lượng có thể tăng lên khoảng 800-1.000 cơ sở hoạt động SXKD vào cuối năm. Tuy nhiên, công tác PCCC gặp nhiều khó khăn.

Trung tá Phạm Văn Mạnh, Công an phường Phúc La, cho biết: "Phường có 14 đồng chí, chủ yếu là công an khu vực kiêm nhiệm cả việc PCCC. Mặc dù, đã được tập huấn nhiều lần nhưng do không được đào tạo bài bản về PCCC nên việc tiếp cận đến lĩnh vực này còn nhiều bỡ ngỡ. Hiện nay, UBND phường Phúc La quản lý 638 cơ sở. Phường đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn PCCC gần 320 lượt cơ sở. Nhận thức của các chủ cơ sở về công tác PCCC chưa nhiều và chưa nắm được những nội dung cơ bản của Nghị định 136 về công tác PCCC. Ngoài những cơ sở kinh doanh có điều kiện, các cơ sở còn lại thì thủ tục pháp lý gần như không có. Trang thiết bị về PCCC của các cơ sở đều thiếu, nhà nào có chỉ 1-2 bình chữa cháy đã trang bị rất lâu”.

Trên địa bàn quận Hà Đông có 114 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động, trong đó có 26 công trình đã được tổng duyệt về PCCC, 11 công trình thuộc đối tượng được điều chỉnh theo Nghị quyết 05/2017 của HĐND TP Hà Nội. Đến nay, 100% công trình vi phạm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lực lượng công an phường đều là công an khu vực kiêm nhiệm công tác PCCC. Hình ảnh công an hướng dẫn hộ dân cài đặt phần mềm báo cháy trên app.
Lực lượng công an phường đều là công an khu vực kiêm nhiệm công tác PCCC. Hình ảnh công an hướng dẫn hộ dân cài đặt phần mềm báo cháy trên app.

Công tác quản lý nhà nước của UBND các phường đối với PCCC hiệu quả chưa cao do xác định các loại hình kinh doanh để làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCC chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc hỗ trợ kinh phí cho đội trưởng, đội phó đội PCCC dân phòng chưa đảm bảo. Trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC dân phòng và cơ sở cũng còn khó khăn. Nguồn kinh phí cho hoạt động PCCC&CHCN vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Lực lượng công an phường tham mưu về công tác PCCC cho UBND các phường còn hạn chế, do thiếu người có chuyên môn PCCC. Kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở PCCC đã đi vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có những chế tài, giải pháp xử lý triệt để. Một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng về công tác PCCC, do đó, chấp hành các quy định về PCCC chưa cao, đặc biệt là các gia đình nhà để ở kết hợp với SXKD.

Đến nay, chưa có quy định về thủ tục, trình tự kiểm tra về an toàn PCCC cho UBND các phường. Công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở đi vào hoạt động trước khi có Luật PCCC có hiệu lực còn khó khăn, do chưa có giải pháp nào tháo gỡ, xử lý cho cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về PCCC.

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, Thiếu tá Vũ Hồng Linh - Phó Trưởng Công an quận Hà Đông, cho biết: “Chúng tôi thành lập một tổ chuyên theo dõi về công tác PCCC đối với các Tổ liên gia an toàn PCCC, Khu dân cư PCCC để hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác PCCC tại cơ sở.

Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, chúng tôi lấy dân làm gốc để đẩy mạnh tuyên truyền phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH. Đồng thời, nhân rộng các mô hình PCCC trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền rộng khắp công tác PCCC&CNCH đến các khu dân cư, tổ dân phố”.