Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khó khăn trong phát triển lâm nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có diện tích rừng khá lớn, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Mặc dù...

Kinhtedothi - Hà Nội có diện tích rừng khá lớn, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn TP vẫn còn nhiều khó khăn, phạm vi quản lý còn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ và nâng cao giá trị của rừng.

Quy mô hoạt động còn hẹp

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển lâm nghiệp đối với việc xây dựng vành đai xanh và giữ gìn cảnh quan sinh thái cho Thủ đô, tháng 11/2013, UBND TP đã có quyết định thành lập Trung tâm Phát triển Lâm nghiệp. Hiện nay, Trung tâm được giao trực tiếp quản lý 2.095ha rừng và đất lâm nghiệp nằm trên địa bàn 8 xã của huyện Sóc Sơn. Từ khi hoạt động, Trung tâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các xã có rừng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tính đến hết tháng 7/2014, trên địa bàn huyện chỉ có 6 vụ cháy rừng với diện tích 5,9ha, chủ yếu xảy ra vào tháng 1 và tháng 2. Còn trong khoảng hơn 5 tháng trở lại đây không xảy ra cháy rừng. Điều đáng nói là, mặc dù Trung tâm trực thuộc Sở NN&PTNT, có nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp trên toàn TP, song hiện nay quy mô hoạt động của Trung tâm mới chỉ dừng lại trên địa bàn huyện Sóc Sơn với hơn 2.000ha. 
Cán bộ kiểm lâm huyện Ba Vì hướng dẫn đồng bào dân tộc kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng.  	Ảnh: Bình Minh
Cán bộ kiểm lâm huyện Ba Vì hướng dẫn đồng bào dân tộc kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Bình Minh
Trong khi đó, toàn TP có tới trên 24.000ha đất lâm nghiệp, phân bố ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Ngoài ra, còn một hạn chế nữa là hiện nay nhiều diện tích rừng bị cháy nhiều năm chưa trồng lại được. Bên cạnh đó, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) vừa thiếu lại vừa yếu. Trong tháng 8, trên địa bàn TP không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trái phép, nhưng lại có tới 15 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.   

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển lâm nghiệp, cấu trúc rừng chưa được thiết lập ổn định, rừng Hà Nội vẫn chủ yếu là rừng trồng (thông và keo). Thêm vào đó, hệ thống đường lâm nghiệp, đường băng cản lửa, hạ cấp vật liệu cháy còn ít, thảm thực bì quá dày, cây bụi rậm rạp… nên cháy rừng luôn là nguy cơ tiềm ẩn. "Nạn cháy rừng luôn rình rập, cả trong những ngày mùa mưa" - bà Hằng chia sẻ. Bên cạnh đó, quy hoạch rừng còn chưa phù hợp, chưa có bản đồ địa chính đất lâm nghiệp, mốc ranh giới chưa rõ ràng và chưa giao đất rừng ổn định lâu dài, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCCR.

Cần chiến lược tổng thể

Nhìn nhận một cách khách quan, những tồn tại trong hoạt động phát triển lâm nghiệp hiện nay là do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm đã trải qua nhiều giai đoạn sắp xếp và thay đổi nhiều cơ quan chủ quản nên bộ máy nhân sự không ổn định. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là công tác PCCCR, lãnh đạo Trung tâm kiến nghị, TP sớm điều chỉnh quy hoạch rừng cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp và đẩy nhanh tiến độ cắm mốc ranh giới rừng, giao đất, giao rừng ổn định. Ngoài ra, hướng dẫn Trung tâm xây dựng mô hình kinh tế dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái. 

Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để phát triển lâm nghiệp cần chiến lược tổng thể, trong đó chú trọng xây dựng phương án quản lý và phân cấp rừng hiện có. Ông Mỹ yêu cầu các đơn vị liên quan của Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xác định mức đơn giá để xây dựng các chương trình, dự án cụ thể, trọng tâm là bảo tồn rừng trên địa bàn TP. Việc giao khoán rừng phải xác định rõ chủ rừng tại các địa phương, tránh tình trạng buông lỏng quản lý. 

Đồng thời, tổ chức tốt việc bảo vệ rừng, PCCCR, hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra. Trong đó, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan có hợp đồng chi tiết, phân rõ trách nhiệm đối với những hộ trồng rừng.